"Việt Nam chưa có kế hoạch cụ thể về việc bán trái phiếu quốc tế"
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết nếu tính tất cả các yếu tố như biến động tỉ giá thì phí đi vay sẽ tăng lên, do đó có thể phát hành trái phiếu quốc tế sẽ không phải là cách rẻ.
- 18-07-2016Cách mạng mới trên thị trường trái phiếu nhìn từ góc độ của Nga
- 11-07-2016Nên phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước
- 04-07-2016Sắp được bán khống trái phiếu
Chính phủ Việt Nam sẽ dựa vào thị trường nội địa để đáp ứng nhu cầu vốn trong năm nay và chưa có “kế hoạch cụ thể” về việc bán trái phiếu quốc tế.
Trao đổi với Bloomberg, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết Chính phủ sẽ khảo sát thị trường kỹ lưỡng trước khi có thể phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.
“Chúng tôi cần phải đánh giá thật cẩn thận các điều kiện trên cả thị trường quốc tế và nội địa để đảm bảo phát hành đạt hiệu quả cao nhất”, ông nói.
Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn do sản lượng khai thác dầu cũng như nông sản đều giảm, năm nay Việt Nam sẽ phải vay nhiều hơn. Trong khi thị trường toàn cầu đang có nhiều bất ổn, mức lạm phát thấp và tốc độ tăng trưởng ổn định của nền kinh tế khiến trái phiếu Việt Nam trở nên hấp dẫn.
Ông Hà cho biết nếu tính tất cả các yếu tố như biến động tỉ giá thì phí đi vay sẽ tăng lên, do đó có thể phát hành trái phiếu quốc tế sẽ không phải là cách rẻ. “Vay bằng nội tệ bao giờ cũng là lựa chọn tốt hơn so với đi vay bằng ngoại tệ”.
Tháng 11/2014, trong lần phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên sau gần 5 năm, Việt Nam bán được 1 tỷ USD trái phiếu với lợi suất 4,8%. Tại thời điểm 5h30 chiều 22/7, lợi suất của trái phiếu này ở mức 3,897%. Theo số liệu của Bloomberg, lợi suất trái phiếu nội địa kỳ hạn 5 năm có lợi suất 6,15%, giảm 48 điểm cơ bản kể từ đầu năm đến nay.
Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2016. Như vậy để đạt được mục tiêu thì nền kinh tế phải tăng trưởng 7,6% trong 6 tháng cuối năm.
Ông Hà cũng cho biết Bộ Tài chính dự kiến bội chi sẽ ở mức mục tiêu là 4,95% GDP. Tính toán của Chính phủ không bao gồm khoản cho vay lại, do đó con số do Bộ Tài chính tính toán có sự khác biệt so với tính toán của các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).
Trong báo cáo vừa được công bố tuần này, WB đã nêu lên những lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách của Việt Nam với dự báo năm 2016 thâm hụt sẽ lên đến 5,9% GDP. Cũng theo WB, năm ngoái tổng nợ công của Việt Nam đã lên tới 62,2% GDP, gần chạm mức trần nợ 65%.