Việt Nam chuyển đổi số với... cáp quang biển đứt 10 lần mỗi năm
Hạ tầng số của Việt Nam được đánh giá chưa đảm bảo để thực hiện chiến lược chuyển đổi số và dữ liệu hoá.
- 16-12-2021Tổ chức Tài chính Quốc tế đầu tư 30 triệu USD xây dựng nhà máy biến chất thải rắn thành điện ở Bắc Ninh
- 16-12-2021Tech Wire Asia: Đằng sau việc Vingroup xây nhà máy pin ô tô điện trị giá 4.000 tỷ đồng tại Hà Tĩnh
- 16-12-2021Khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam thay đổi ra sao sau một thập kỷ?
Tại sự kiện Internet Day 2021 tổ chức ở Hà Nội ngày 15/12, đại diện Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp công bố những số liệu về tốc độ và chất lượng truy cập mạng tại Việt Nam.
Ông Hoàng Đức Dũng, Phó phòng Truyền dẫn Viettel Networks thông tin, trong 5 năm gần đây, các tuyến cáp quang biển Việt Nam ra khu vực bị đứt trung bình 10 lần mỗi năm, mỗi lần trục trặc kéo dài 1 tháng. Do vậy, chỉ khai thác được 3/4 tổng lưu lượng các tuyến cáp.
Ông Hoàng Đức Dũng nhận định số lượng tuyến cáp quang biển nối đi quốc tế của Việt Nam hiện chỉ có 7, rất khiêm tốn so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Mỹ đứng đầu với 93 tuyến cáp, xếp sau là Anh (56 tuyến), Pháp (23 tuyến). Ở Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Thái Lan (10 tuyến), Malaysia (22 tuyến) hay Singapore (30 tuyến). Tỷ lệ số lượng tuyến cáp quang trên dân số của Việt Nam cũng rất nhỏ. Điều này khiến mức độ đảm bảo về hạ tầng quốc tế phục vụ Internet cho người dùng Việt Nam thấp nhất trong khu vực.
Với thực tế trên, ông Hoàng Đức Dũng đề xuất giải pháp cần giảm phụ thuộc kết nối vào các tuyến cáp quang biển thường xuyên xảy ra sự cố.
Các nước có nhiều tuyến cáp quang quốc tế được gọi là các điểm trung chuyển số (digital hub)
Đại diện Viettel Networks chia sẻ báo cáo của World Bank vào tháng 8, kết nối Internet Việt Nam thuộc nhóm cần cải thiện chất lượng và tốc độ nếu muốn thành công trong nền kinh tế số. Các dự báo cho thấy đến năm 2030 cần mở rộng kết nối quốc tế gấp 10 lần hiện tại.
Chia sẻ về vấn đề cáp quang biển liên tục bị đứt gây ảnh hưởng tới tốc độ Internet trong nước, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng vẫn có những cách để đảm bảo chất lượng cho người dùng.
“Khi sự cố xảy ra, chất lượng truy cập Internet chắc chắn bị ảnh hưởng. Có nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng. Đầu tiên, dung lượng của các nhà mạng cần dư dả để khi có tuyến cáp đứt, sẽ sẵn sàng dung lượng tuyến khác để thay thế. Nhưng điều này cũng gây ra chi phí lớn cho doanh nghiệp. Bởi khi kết nối quốc tế, đầu tư cho cáp quang biển rất tốn kém nên các nhà mạng thường sử dụng gần hết dung lượng ký kết với đối tác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn yêu cầu doanh nghiệp tính toán dự phòng khi có sự cố, ví dụ cần chuẩn bị tuyến kết nối ở đất liền hoặc tuyến khác để bổ sung lưu lượng”, ông Nhã nói.
Phó cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Phong Nhã
Ngoài ra, đại diện Cục Viễn thông cho rằng phương án khác là tăng cường phát triển các giải pháp công nghệ trong nước, tăng tiêu dùng data nội địa, xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ: “Ví dụ trong đợt dịch học sinh bắt đầu học ở nhà, nếu có sẵn phần mềm đào tạo trực tuyến trong nước, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạng chậm, các lớp học không bị gián đoạn. Đây là giải pháp dễ dàng, phù hợp với điều kiện doanh nghiệp Việt. Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng app nội địa, sử dụng các ứng dụng của người Việt”.
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Phong Nhã, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) Nguyễn Hồng Thắng cho rằng dữ liệu của các ứng dụng dịch vụ số nằm ở nước ngoài khiến kết nối Internet ở Việt Nam “thiệt đơn thiệt kép”.
“Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống khi học tập, làm việc bị gián đoạn. Lý do cũng xuất phát từ việc người dùng chưa tin vào sản phẩm Việt Nam. Google 5-10 năm trước cũng chỉ là dịch vụ cơ bản nhưng người Mỹ vẫn chấp nhận sử dụng. Vậy tại sao người Việt không tin tưởng các sản phẩm công nghệ nội địa”, ông Thắng bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Hồng Thắng cũng cho rằng cần nhiệm vụ cần thiết để xây dựng hạ tần số, đảm bảo kết nối Internet nhanh và ổn định là sớm xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam, đồng thời đưa các cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam.
Bên cạnh thực trạng cáp quang biển liên tục gặp sự cố gây ảnh hưởng lớn tới tính ổn định của mạng Internet, tốc độ kết nối mạng ở Việt Nam cũng là vấn đề gây lo ngại. Theo ông Nguyễn Phong Nhã, để đạt được mục tiêu vào top 30 thế giới về hạ tầng số vào năm 2025, tốc độ mạng tại Việt Nam phải cải thiện rất nhiều.
Theo số liệu của Ookla công bố vào tháng 9, tốc độ trên Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đạt 84,12 Mb/s tải xuống, xếp thứ 58/181 quốc gia. Xét trong khu vực, tốc độ mạng tại Việt Nam đứng sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Trong khi đó, tốc độ Internet di động tại Việt Nam theo thống kê của Ookla là 78,34 Mb/s tải xuống, xếp thứ 59/138 quốc gia khảo sát. Theo Ookla, Việt Nam vẫn đứng sau Singapore và Thái Lan trong khu vực về tốc độ mạng di động.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, dải tốc độ phổ biến nhất của thuê bao Internet băng rộng cố định tại Việt Nam là 30-50 Mb/s, chiếm 47,14%. Dải tốc độ 50-100 Mb/s chiếm 35,21%, và lượng thuê bao trên 100 Mb/s chiếm 16,86%. Lượng nhỏ còn lại là các thuê bao có tốc độ dưới 30 Mb/s.
BizLIVE