Việt Nam có cần một ChatGPT 'phiên bản Việt'?
Doanh nghiệp, chính phủ tại nhiều nước đã nhanh chóng đưa ChatGPT hay các công cụ AI tạo sinh vào ứng dụng và Việt Nam khó đứng ngoài “cơn sóng” AI tạo sinh.
- 15-02-2023Chatbot dựa trên ChatGPT của Microsoft gây sốc vì “mắng” người dùng, AI chưa gì đã thể hiện sự hung hãn và khó kiểm soát?
- 08-02-2023Nhúng chatbot ChatGPT vào Bing và trình duyệt Edge, Microsoft tự tin lật đổ Google
Chính thức phát hành từ tháng 11/2022 bởi OpenAI, cho đến nay công cụ AI tạo sinh này đã vượt mốc 100 triệu người dùng với hơn 9 tỷ lượt truy cập trên website chính thức.
Theo báo cáo từ McKinsey, công nghệ AI tạo sinh có thể đóng góp 2,6-4,4 nghìn tỷ USD vào tổng giá trị nền kinh tế thế giới hàng năm – tương đương tổng GDP của nước Anh vào năm 2021 (3,1 nghìn tỷ USD).
Thế giới ứng dụng ChatGPT thế nào?
ChatGPT hiện được truy cập và sử dụng bởi người dùng tại 161 quốc gia. Có nhiều góc nhìn khác nhau về việc sử dụng ChatGPT, trong đó một số quốc gia phát triển tại châu Á có cách tiếp cận khá mở.
Chẳng hạn, chính phủ Singapore hồi tháng 2/2023 đã thông báo kế hoạch tích hợp ChatGPT trong việc giảng dạy và học tập ở các trường phổ thông và đại học.
Tháng 4/2023, chính quyền thành phố Yokosuka, Nhật Bản thông báo bắt đầu sử dụng ChatGPT để hỗ trợ các công việc hành chính để tiết kiệm nhân lực, nâng cao hiệu quả và thiết lập quy trình làm việc tốt hơn.
Về phía các công ty, tập đoàn lớn, ChatGPT nói riêng và AI tạo sinh nói chung cũng nhanh chóng được áp dụng.
Microsoft – công ty mẹ của OpenAI – cho biết sẽ tích hợp công cụ có tên AI Co-Pilot vào ứng dụng Office 365 để hỗ trợ tạo, chỉnh sửa, tổng hợp và so sánh văn bản. Hãng đã lên kế hoạch đưa AI tạo sinh vào công cụ tìm kiếm Bing.
Trong khi đó, Amazon cũng đang thử nghiệm ứng dụng AI tạo sinh vào toàn bộ hoạt động kinh doanh. Hãng chưa công bố thông tin cụ thể nhưng giới công nghệ cho rằng nó có thể được tích hợp trong phần tìm kiếm trên app hoặc website của Amazon để tối ưu hoá trải nghiệm tìm kiếm của người dùng.
Octopus Energy – một công ty cung cấp năng lượng tại Anh đã ứng dụng chatGPT vào các kênh chăm sóc khách hàng, hiện đã giải quyết 44% yêu cầu của khách hàng – tương đương khối lượng công việc của 250 người, đạt tỷ lệ hài lòng thậm chí còn cao hơn so với những yêu cầu được giải quyết bởi con người trước kia.
Một số ông lớn công nghệ chọn cách tiếp cận khác khi muốn tạo ra công cụ AI tạo sinh của riêng mình, điển hình là Google. Hãng đã ngay lập tức cho ra mắt Google Bard để đối đầu với ChatGPT. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ có sẵn, tham vọng của Google chắc chắn là đứng đầu thị trường công nghệ AI. Hiện Google Bard đang được phát hành dưới dạng thử nghiệm để thu thập phản hồi của người dùng.
Samsung cũng được cho đã phát triển một công cụ AI tạo sinh chỉ dùng riêng cho các hoạt động nội bộ. Bằng cách này, nhân viên Samsung có thể tận dụng sức mạnh của AI, nhập các dữ liệu nhảy cạm của công ty vào cơ sở dữ liệu chung mà không sợ bị rò rỉ ra bên ngoài.
Có cần thiết cho một ChatGPT phiên bản Việt?
Hiện tại người dùng tại Việt Nam tiếp cận ChatGPT theo một cách tương đối hạn chế. Các tài khoản thanh toán của các ngân hàng Việt Nam đều không thể dùng để đăng ký sử dụng ChatGPT được. Số lượng người dùng Việt Nam sử dụng ChatGPT đến thời điểm này là chưa đại trà do rào cản này. Trong khi đó, các bộ ban ngành vẫn tỏ ra quan ngại về vấn đề kiểm duyệt nội dung của ChatGPT.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với mức độ ảnh hưởng của ChatGPT, Việt Nam khó đứng ngoài trào lưu này. PGS. TS. Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho rằng ChatGPT sẽ tác động rất lớn tới các ngành như giáo dục, truyền thông, sau đó có thể là nghệ thuật và các ngành khác do bản chất AI tạo sinh cho phép sản sinh ra các nội dung mới. Ông còn cho rằng xu thế sắp tới vẫn là con người kết hợp với sự trợ giúp AI để làm việc bởi hiện tại, không đủ cơ sở để kết luận AI thay thế con người hay AI sẽ thay thế nghề nghiệp bởi ChatGPT hay công nghệ AI tạo sinh vẫn luôn có những hạn chế.
Không thể đứng ngoài “con sóng” AI tạo sinh dù có những rào cản nên một hướng tiếp cận được nhiều chuyên gia nghĩ đến là tự chủ công nghệ này ngay tại Việt Nam. Khi đó, người Việt có thể hoàn toàn chủ động kiểm soát nội dung, tránh thông tin sai lệch, đảm bảo an toàn cho dữ liệu quốc gia.
Có một thực tế là ChatGPT hoạt động khá ổn với những câu hỏi chung, tuy nhiên vì làm lĩnh vực mở (open domain) nên khó đi sâu ngày vào một lĩnh vực cụ thể (specific domain) hoặc 1 nghiệp vụ cụ thể. Do vậy, OpenAI cho phép người dùng tự cá nhân hóa thông qua SFT training, và cho phép gắn hệ tri thức doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân vào chatbot thông qua việc mở các plugins. Theo chuyên gia, việc này là rất nguy hiểm đối với các doanh nghiệp vì các báo cáo/tài liệu nội bộ, hệ tri thức của họ có nguy cơ bị mất ra ngoài.
Do đó, việc doanh nghiệp/tổ chức tự chủ một hệ thống ứng dụng công nghệ AI tạo sinh sẽ giải quyết được vấn đề an ninh bảo mật, song vẫn sẽ tuỳ biến được theo từng yêu cầu của doanh nghiệp mong muốn và tận dụng các điểm mạnh của công nghệ AI tạo sinh một cách tối đa.
Như vậy, việc có một ChatGPT “phiên bản Việt” là cần thiết đối với người dùng, doanh nghiệp và cả quốc gia. Các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu trong nước và nhà quản lý chắc chắn đã nhìn ra câu chuyện này, thậm chí đã có nhiều đơn vị, tổ chức bắt tay vào làm. Tuy nhiên, ai là người có khả năng đầu tư để làm chủ công nghệ này và nếu làm thì trình độ, năng lực tự chủ đến đâu thì hiện vẫn là một câu hỏi mở.
Nhịp sống thị trường