MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có nhiều cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Quang cảnh toạ đàm "Vai trò của miền Nam Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu"

Quang cảnh toạ đàm "Vai trò của miền Nam Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu"

Khu vực phía Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với Singapore và Hong Kong để trở thành trung tâm logistics kết hợp với sản xuất nội địa, một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 370,8 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, TP.HCM đóng góp 67,2 triệu tấn và Vũng Tàu là 46,9 triệu tấn. Khối lượng hàng hóa bằng container thông qua cảng biển đạt 10,5 triệu TEUs tăng 2% cùng kỳ năm 2021.

Nổi bật ở miền Nam có cụm cảng biển Cái Mép -Thị Vải đã tiếp nhận thành công siêu tàu container Margrethe Maersk có trọng tải đến 214.000 DWT và có sức chở lên đến 20.000 TEUs vào năm 2020. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong ngành vận tải của Việt Nam.

Tại toạ đàm mới đây do Eurocham, Cushman & Wakefield và KCN Việt Nam phối hợp tổ chức, ông Marco Civardi - CEO of JAS Worldwide - China & Hong Kong cho biết, Trung Quốc là nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Trước đại dịch COVID-19 Trung Quốc nắm giữ đến 51% thị trường hàng hóa giá rẻ của thế giới. Nhưng do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đã giảm còn 48%, và 3% sụt giảm này đã được dịch chuyển sang thị trường Asean. Trong khu vực Asean thì Việt Nam là điểm đến được lựa chọn ưu tiên.

Các trung tâm logistics lớn vẫn chưa tập trung tại Việt Nam

Phân tích thị trường logitics Việt Nam, ông Marco Civardi cho rằng có nhiều tiềm năng, song vẫn có những điểm cản cần được khắc phục, trong đó vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng là quan trọng nhất để thu hút luồng hàng hóa sang thị trường Việt Nam.

Việt Nam có nhiều cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Marco Civardi - CEO of JAS Worldwide - China & Hong Kong

"Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng để cơ hội đó biến thành hiện thực thì Việt Nam cần phải làm rất nhiều việc, như hoạch định chính sách kết nối cơ sở hạ tầng giao thông cũng như thay đổi các phương thức vận chuyển, bởi hiện nay ở khu vực Asean các trung tâm logistics lớn vẫn chưa có tại Việt Nam mà đang tập trung nhiều ở Singapore", CEO of JAS Worldwide - China & Hong Kong nhấn mạnh.

Theo bà Bùi Nguyền Huyền Trang - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, các hãng vận tải biển phía Nam đã có thể cung cấp dịch vụ trực tiếp đi từ Cái Mép đến bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ và châu Âu mà không cần đến các tàu gom để kết nối với các trung tâm trung chuyển khu vực, như Singapore hay Hong Kong, giúp giảm chi phí trung chuyển khoảng 150–300USD/TEU đối với những container đi và đến Việt Nam, và không phải quá cảnh nên từ Việt Nam đi Mỹ chỉ mất khoảng 19 ngày.

Việt Nam có nhiều cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 2.

Bà Bùi Trang - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

"Với dân số 40 triệu người riêng khu vực phía Nam và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng nhanh, lực lượng lao động dồi dào luôn sẵn sàng đón nhận luồng đầu tư mới về công nghệ, chính là điểm tiên quyết khiến các doanh nghiệp toàn cầu mong muốn mở rộng sản xuất ở phía Nam. Song, điều họ quan tâm hơn hết là quy mô thị trường và chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam," bà Trang nói.

Cần một ủy ban cao cấp trực thuộc Thủ tướng Chính phủ điều hành

Bà Phạm Thị Thuỳ Vân - Phó giám đốc marketing của TCT Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cho biết, khối lượng vận chuyển bằng container trong 6 tháng đầu năm năm 2022 khoảng 18 - 18,5 triệu TEUs, tăng 2% cùng kỳ năm 2021.

Riêng khu vực phía Nam - nơi tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng nội địa đạt trên 13,2 triệu TEUs, chiếm khoảng 73% tổng lượng container của cả nước. Nhưng đường cao tốc phục vụ vận tải bộ ở phía Nam hiện đang rất thiếu, chỉ có 200 km với 3 cao tốc chính, gồm tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và mới đây là tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong 6 tháng đầu năm lượng hàng hóa vận chuyển qua cụm cảng Cái Mép đạt khoảng 2,6 triệu TEUs, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, dự báo vận tải qua cụm cảng Cái Mép đạt khoảng 5,8 - 5,9 triệu TEUs, trong đó chủ yếu đi Mỹ, châu Âu và hàng đi nội Á.

Từ TPHCM ra cụm cảng Cái Mép bằng đường bộ hiện chỉ có duy nhất quốc lộ 51, nên chỉ vận tải được 20% lượng hàng hóa vận tải bằng đường bộ, còn lại 80% phải vận chuyển bằng sà lan nhưng vẫn thường xuyên bị tắc đường.

Đặc biệt, năm 2021 có nhiều doanh nghiệp phải ra Cái Mép lấy container rỗng tình trạng tắc đường càng nghiêm trọng hơn. Chính phủ cũng đã thấy được điều này và đang gấp rút xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

"Tại các buổi hội thảo với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Chính phủ, chúng tôi luôn đề xuất: Thứ nhất, nếu xây dựng cao tốc Biên Hòa đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhà nước nên lấy thêm quỹ đất để làm luôn tuyến đường sắt, có thể vừa vận tải hàng hóa vừa vận chuyển hành khách. Đường sắt sẽ vận tải được khối lượng lớn hàng hóa đến cảng Cái Mép.

Thứ hai, với xu thế phát triển như hiện nay thì khối lượng hàng hóa thì ở phía Nam đang bị thiếu cảng nên dư địa phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải gần như không còn. Dự kiến, 3 năm tới cảng Cái Mép - Thị Vải khó có khả năng tiếp nhận thêm hàng hóa, thế nhưng chúng ta vẫn chưa có quy hoạch tiếp các cảng nước sâu", bà Vân lo ngại.

Việt Nam có nhiều cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Thuỳ Vân - Phó giám đốc marketing, TCT Tân Cảng Sài Gòn

Vừa qua, Tập đoàn MSC/TIL - hãng tàu container lớn thứ hai thế giới, đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TPHCM, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Đây là tín hiệu tốt và cảng trung chuyển này cũng đã được đưa vào quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam năm 2030 tầm nhìn 2050.

Theo MSC, do là cảng trung chuyển nên chỉ đi đường thủy, nếu đi đường thủy phải qua khu sinh quyển Cần Giờ - khu sinh quyển của thế giới. Đây là "bài toán lớn" mà TPHCM phải giải quyết.

Hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng ở phía Nam vừa thiếu lại vừa yếu, với tốc độ phát triển và với tình hình cảng biển như hiện nay thì việc thiếu cảng biển ở đây là chắc chắn xảy ra.

Tuy nhiên, để làm một con đường nhanh nhất mất 3 năm, chậm nhất là mười mấy năm, nhưng đang có sự bất cập đó là Bộ Giao thông vận tải là đơn vị chịu trách nhiệm quy hoạch hệ thống cầu đường, nhưng phát triển các trung tâm logistics lại thuộc Bộ Công Thương.

"Cho nên việc quy hoạch phát triển đường và logistics cần có sự thống nhất, và cần có một ủy ban cao cấp trực thuộc Chính phủ, chịu sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và thường xuyên hợp với các bộ, ngành liên quan, nhất là phải có thực quyền, có tầm nhìn về phát triển kinh tế xã hội, về giao thông huyết mạch và hệ thống logistics và công tác quy hoạt về logistics phải được giải kỳ", Phó Giám đốc Marketing SNP nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Huyền

Biz Live

Trở lên trên