MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Việt Nam có nhiều nguồn lực đủ mạnh để ứng phó với những cú sốc bên ngoài”

11-03-2022 - 11:38 AM | Tài chính - ngân hàng

“Việt Nam có nhiều nguồn lực đủ mạnh để ứng phó với những cú sốc bên ngoài”

Chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam ổn định vì có nhiều nguồn lực đủ mạnh để ứng phó với những cú sốc bên ngoài.

TS. Trương Văn Phước
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia
37 bài viết

Quan điểm vừa được TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ với BizLIVE.

"CHẮC CHẮN NĂM NAY LẠM PHÁT TĂNG CAO"

Thưa ông, với diễn biến leo thang của giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, đặc biệt là cú sốc giá năng lượng hiện nay, thế giới và Việt Nam đang đối mặt với áp lực lạm phát. Ông nhận định thế nào về áp lực này tại Việt Nam?

Trước khi có xung đột quân sự Nga - Ukraine thế giới cũng đã lo ngại về việc các gói hỗ trợ kích thích kinh tế toàn cầu có liều lượng tương đối lớn tạo áp lực lạm phát 2022. Bởi để chống chọi với đại dịch, các nước dùng các công cụ của chính sách tài khóa, bơm tiền ra. Nên các nước, các ngân hàng trung ương (NHTW) chuẩn bị tinh thần từng bước thắt chặt chính sách tiền tệ lại để kiềm chế lạm phát có thể tăng cao trong 2022.

Trong khi họ đang chuẩn bị thì xung đột xảy ra, đến nay cũng kéo dài hai tuần. Giá cả hàng hóa thế giới tăng, nhất là xăng dầu, khí đốt, kéo theo giá các mặt hàng kim loại phục vụ cho sản xuất trên thế giới, một số mặt hàng nông sản, phân bón tăng lên.

"Kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, như vậy thẩm thấu, tác động ở thế giới là dễ hiểu. Mặt bằng giá tăng cao tạo nên các áp lực về tăng lạm phát của Việt Nam".

Chắc chắn năm nay lạm phát tăng cao. Với lượng tiền hai năm qua được bơm ra để cứu kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID. Lạm phát toàn cầu được dự báo khoảng 6%, thậm chí vượt hơn mức này. Tăng trưởng kinh tế thế giới trước đây dự báo khoảng 3,9%, hiện nay điều chỉnh còn khoảng 3,4%.

Lưu ý thêm, sự đứt gãy chuỗi cung ứng các năm rồi là ghê gớm. Xung đột quân sự gây thêm những cản trở để nối lại sự đứt gãy chuỗi cung ứng đó. Đây cũng là một áp lực lên thị trường hàng hóa thế giới.

Nhìn chung 2022 lạm phát toàn cầu tăng lên, tăng trưởng kinh tế giảm xuống, chuỗi đứt gãy cung ứng thế giới khó phục hồi. Câu chuyện xung đột không biết bao giờ kết thúc, có nhiều kịch bản, có ý kiến cho rằng kéo dài trong tháng 3, vài ba tháng, thậm chí có người dự báo xung đột leo thang kéo dài vài ba năm. Điều này chưa biết trước được!

Kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, như vậy thẩm thấu, tác động ở thế giới là dễ hiểu. Mặt bằng giá tăng cao tạo nên các áp lực về tăng lạm phát của Việt Nam. Ước tính giá xăng tăng lên 10% sẽ tác động khoảng 0,4% lạm phát trong nước. Dù lạm phát không chỉ tính trên giá xăng dầu mà tính trên nhiều mặt hàng nhưng xăng dầu vẫn đóng một vai trò quan trọng. Vì giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giao thông vận tải, vận chuyển lưu thông hàng hóa…

Lạm phát tại Việt Nam chắc sẽ tăng lên. Có nhiều ý kiến tăng lên cao. Tôi cho rằng, năm 2021 lạm phát trong nước là 1,84%, năm nay ước tính lạm phát khoảng 3,5-3,8%, kiềm chế dưới 4%.

Việt Nam với dự báo lạm phát khoảng 3,5-3,8%, phụ thuộc vào giá xăng dầu nhưng đồng thời lạm phát ở Việt Nam còn phụ thuộc cách thức điều hành thị trường. Ví dụ thị trường xăng dầu, nhà nước có cơ chế chính sách bình ổn, rồi các sản phẩm dịch vụ công như y tế, giáo dục, giao thông cũng có những chính sách khác. Chúng ta cũng đang thực thi chương trình hỗ trợ kinh tế sau đại dịch theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, nhắm vào tăng tổng cung và tổng cầu, phải tạo ra nhiều hàng hóa cho nền kinh tế ấm nóng trở lại. Như vậy cũng chưa biết điều gì xảy ra!

"...nhưng đồng thời lạm phát ở Việt Nam còn phụ thuộc cách thức điều hành thị trường".

Dù giá dầu được dự báo có thể lên 185-200 USD, thậm chí Nga cho rằng có thể lên 300 USD nhưng giá dầu đã điều chỉnh từ mức 130 USD/thùng, sau đó giảm còn 109 USD khi UAE thúc giục OPEC nên tăng sản lượng. Hay giá vàng sau khi vọt lên gần 2.070 USD/oz cũng rớt xuống dưới 2.000 USD.

Như đề cập ở trên, trước khi chưa xung đột quân sự xảy ra, các NHTW đang từng bước thắt chắt chính sách tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát. Nhưng nay, xung đột xảy ra có nhiều biến số mới, tín hiệu cho thấy NHTW các nước dè dặt, thận trọng khi thắt chặt chính sách tiền tệ. Cụ thể là việc tăng lãi suất có thể sẽ chậm lại, với liều lượng ít đi vì họ không mong muốn sau đại dịch vốn đã khó khăn, thêm xung đột quân sự làm cho thị trường thế giới chao đảo mà lại thắt chặt tiền tệ sẽ xóa đi hết nỗ lực cố gắng phục hồi nền kinh tế của các chính phủ.

Nếu những giai đoạn trước, lạm phát đi cùng với nền kinh tế tăng trưởng nóng và đồng tiền mất giá, thì nay nền kinh tế vừa trải qua bão COVID và thu nhập đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Ông nói gì về khác biệt này?

Nói rằng tăng trưởng thường kéo lạm phát tăng theo, điều này chưa chắc là đúng. Người ta chỉ nói tương quan như thế nào giữa lạm phát và tăng trưởng, tức là một cặp tọa độ nào là tối ưu cho nền kinh tế. Chứ chưa hẳn nền kinh tế tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát cao, điều này chưa thuyết phục. Mặc dù có thể trong giới khoa học, nghiên cứu thường nhận định những nền kinh tế nào tăng trưởng cao thì đều có lạm phát cao nhưng điều đó không hẳn đúng mọi lúc mọi nơi. Nói chung không phải là mọi quy luật tất yếu tuy nhiên là hiện tượng dễ nhìn thấy.

Quay trở lại lạm phát có những quy luật tác động của nó bên cạnh sức cầu của nền kinh tế, bởi vì hay gắn câu chuyện tăng trưởng với lạm phát vì sao? Bởi tăng trưởng kinh tế có thể được nhìn nhận bởi tổng cầu, khi tổng cầu tăng lên tức là tăng trưởng tăng lên, làm cho nhu cầu tiền tệ tăng lên, như vậy tạo áp lực lạm phát, đó là tư duy logic trong lập luận về lạm phát.

"Cú sốc hiện nay của thế giới là cú sốc bên ngoài. Vấn đề xung đột không phải cầu tăng lên mà là mất cung, khiến khan hiếm hàng, các lệnh cấm vận không có dầu… Như vậy phải nhìn nhận vấn đề rạch ròi ở đây để thấy năm nay kinh tế tăng trưởng thấp mà lạm phát cao".

Nói chung lạm phát còn tác động bởi nhân tố. Lạm phát nước nào cũng vậy, phần lớn các nước bằng cách lấy một rổ hàng tiêu chuẩn để so sánh các năm. Trong rổ hàng đó có những cú sốc, bên trong và bên ngoài. Cú sốc hiện nay của thế giới là cú sốc bên ngoài. Vấn đề xung đột không phải cầu tăng lên mà là mất cung, khiến khan hiếm hàng, các lệnh cấm vận không có dầu… Như vậy phải nhìn nhận vấn đề rạch ròi ở đây để thấy năm nay kinh tế tăng trưởng thấp mà lạm phát cao. Đây là cú sốc không phải tiêu dùng nhiều, mà muốn tiêu dùng theo cách bình thường nhưng không có hàng.

"ĐỪNG XEM LẠM PHÁT LÀ CON NGÁO ỘP!"

Như ông đề cập ở trên, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, với bối cảnh giá nhiều hàng hóa nguyên vật liệu tăng cao, liệu chúng ta có được những giải pháp nào ứng phó hiệu quả, theo ông?

Với Việt Nam, chúng ta có nhiều kinh nghiệm trong bình ổn thị trường, về điều hành kinh tế vĩ mô. Trong những năm cuối thập niên 80 đầu 90 lạm phát là 700%, hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng chúng ta ứng phó được.

Đương nhiên bài toán về thị trường xăng dầu cần phải điều chỉnh lại, có chính sách phù hợp hơn để không tác động mạnh tới lạm phát, vì như đã nói xăng dầu tăng 10% thì kéo lạm phát tăng 0,4% dù còn những nhân tố khác nữa. Làm sao đừng để giá lương thực thực phẩm của Việt Nam cuốn theo nông sản của thế giới.

Nói chung chúng ta có kinh nghiệm để làm mềm hóa đi các áp lực từ các cú sốc về cung ở bên ngoài tác động vào thị trường nội địa của Việt Nam.

Ứng phó hiệu quả ở đây là gì? Là một thái độ thận trọng, khách quan khi nhìn nhận mọi biến cố kinh tế, chính trị của thế giới. Ông bà mình nói “đừng để nước tới chân mới nhảy”. Đây là bài học tối quan trọng, tức là luôn chặt chẽ, không chủ quan, phải luôn luôn cập nhật, đặt ra các kịch bản, mục tiêu với hệ thống các giải pháp đi kèm.

Chẳng hạn, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì chúng ta điều hành thị trường xăng dầu trong nước như thế nào, nếu giá xăng dầu xuống dưới 100 USD thì sao? Nếu Fed tăng lãi suất nhiều, tác động tới tỷ giá thì sao, nếu tăng chậm tăng ít thì sao? Nếu mặt hàng nông sản thế giới đứt gãy nguồn cung ứng thì chúng ta tạo ra cung trong thị trường như thế nào? Nếu những mặt hàng kim loại cơ bản tăng thì xem sản xuất trong nước ra sao?...

"Ứng phó hiệu quả ở đây là gì? Là một thái độ thận trọng, khách quan khi nhìn nhận mọi biến cố kinh tế, chính trị của thế giới. Ông bà mình nói “đừng để nước tới chân mới nhảy”..."

Tôi nhắc lại, chúng ta phải chặt chẽ, không chủ quan lơ là, không để bị động bất ngờ. Tôi tin kinh tế Việt Nam ổn định vì chúng ta có nhiều nguồn lực đủ mạnh để ứng phó với những cú sốc bên ngoài.

Liệu lạm phát tăng lên có làm giảm đi hiệu quả và giá trị của gói hỗ trợ nền kinh tế 350 nghìn tỷ đồng, thưa ông?

Đừng xem lạm phát là con ngáo ộp! Tôi dự báo lạm phát 3,5-3,8%, nhưng nếu như vì những nhân tố ghê gớm của thế giới khiến lạm phát Việt Nam lên 4-4,5% cũng không phải là một thảm họa với nền kinh tế.

Có thể nói, với mức lạm phát quanh 4%, chúng ta thực hành các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ đúng đắn, chặt chẽ, linh hoạt thì lạm phát không tác động tiêu cực tới chất lượng hiệu quả chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ nhận định của mình.


Theo Huyền Trâm

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên