Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển giáo dục trực tuyến
Thị trường công nghệ giáo dục (Edtech) tại Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng với nhiều lĩnh vực và ứng dụng phong phú.
Trong đó, các nền tảng giáo dục trực tuyến trong nước lẫn quốc tế nỗ lực ứng dụng nhiều xu hướng công nghệ mới nhằm gia tăng trải nghiệm phong phú hơn đi kèm với chất lượng nội dung được cập nhật liên tục. Người dùng tại Việt Nam càng được dịp hưởng lợi từ sự cạnh tranh này.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Việt Nam, bà Haina Xiang, Giám đốc Marketing khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Duolingo, nhận định: "Việt Nam là một trong những thị trường quốc tế quan trọng nhất của Duolingo, ứng dụng học ngôn ngữ trên phổ biến trên thế giới, với đà tăng trưởng mạnh mẽ. Nhận thấy tiềm năng to lớn tại Việt Nam, Duolingo cam kết mở rộng đầu tư tại thị trường này trong nhiều khía cạnh khác nhau."
Giáo dục trực tuyến tại Việt Nam ngày càng sôi động
Theo báo cáo của Vietnam Edtech (2021), Việt Nam thuộc top 10 thị trường phát triển nhanh nhất ngành công nghệ giáo dục trực tuyến (Edtech) với mức tăng trưởng 44,3% mỗi năm. Thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam được dự đoán đạt doanh thu khoảng 3 tỷ USD vào năm 2023, theo báo cáo từ Ken Research. Sau hai năm Covid-19, giáo dục trực tuyến trở thành một xu hướng tất yếu, đồng thời góp phần hoàn thiện nhanh chóng hạ tầng giáo dục số, giúp Việt Nam tiến nhanh và tương đối sẵn sàng cho chuyển đổi số trong giáo dục.
Bên cạnh đó, hơn 73,2% người dân Việt Nam sử dụng Internet và và thoải mái truy cập các hình thức truyền thông kỹ thuật số khác nhau. Ngoài ra, 95,8% người tiêu dùng Internet đăng nhập từ thiết bị di động. Điều này đã tạo điều kiện cho việc phát triển các nền tảng học trực tuyến.
Doanh thu của các nền tảng học trực tuyến tại Việt Nam liên tục tăng trưởng và dẫn đầu trong nhóm học trực tuyến (Statista, 2023)
Riêng với việc học ngoại ngữ trực tuyến, 35% người Việt Nam học thông qua các ứng dụng học ngôn ngữ với thời gian trung bình từ 8-25 phút mỗi ngày. Điều này tạo cơ hội cho các công ty EdTech, đặc biệt trong mảng giáo dục ngôn ngữ, tiếp cận một lượng lớn người dùng tiềm năng và thiết kế các bài học thú vị, năng động, thu hút sự chú ý của người học trong thời gian dài. Theo bà Haina Xiang, số người dùng hoạt động hằng tháng trên Duolingo tại Việt Nam tăng 67% từ tháng 1/2021 - 1/2022 và số lượng người dùng tích cực đã tăng gấp 5 lần trong 3 năm qua.
Việt Nam dẫn đầu về số lượng tải về của các ứng dụng dạy ngoại ngữ tại Đông Nam Á (Nguồn: Statista, 2022)
Người dùng ở Việt Nam được ‘hưởng lợi’
Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, các công ty edtech địa phương và toàn cầu đều đang đẩy mạnh những tính năng, sản phẩm mới cũng như những công nghệ tiên tiến để tăng cường thâm nhập thị trường Edtech tại Việt Nam.
Đơn cử, chỉ trong nửa đầu năm 2023, Duolingo đã ra mắt 2 tính năng mới dành riêng cho thị trường Việt Nam, gồm khóa học tiếng Anh với những cải tiến dành riêng cho người dùng Việt và gói tài khoản nâng cấp Super Duolingo với mức chi phí được điều chỉnh phù hợp với thị trường địa phương.
Để hỗ trợ người dùng có trải nghiệm học ngôn ngữ tốt hơn, Duolingo đã tăng cường khả năng cá nhân hóa việc học dựa trên các quan sát và đánh giá hành vi, thói quen của hàng triệu người dùng học ngôn ngữ mỗi ngày. Ông Uriel Kejsefman, Giám đốc Sản phẩm Cấp cao của Duolingo, cho biết cốt lõi của công nghệ này là "Birdbrain" - một thuật toán đã được nghiên cứu từ tâm lý giáo dục hàng thập kỷ qua kết hợp với những tiến bộ gần đây của công nghệ máy học. Công nghệ này cũng được áp dụng cho toàn bộ trải nghiệm học trên Duolingo.
Khi công nghệ này được áp dụng cho gói nâng cấp Super Duolingo, người học có thể tập trung sửa các lỗi đã mắc phải, luyện tập liên tục những điểm yếu cho đến khi hoàn toàn khắc phục được chúng, mà không bị dừng lại (không bị phạt hay mất "trái tim" vì mắc lỗi).
Ông Uriel Kejsefman, Giám đốc Sản phẩm Cấp cao của Duolingo
Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ như "trò chơi hóa" các bài học (gamification), đào tạo chia nhỏ bài học (micro-learning) cũng giúp người dùng cảm thấy hào hứng hơn khi vừa có thể nâng cao ngoại ngữ vừa, được thỏa mãn nhu cầu giải trí. Điều này hướng đến mục tiêu tăng động lực và mức độ tương tác trên nền tảng của người học.
Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian gần đây, các ứng dụng học ngôn ngữ cũng đang từng bước đưa công nghệ này vào sản phẩm của mình. "Chiến lược của Duolingo là luôn đi cùng và sát cánh với sự phát triển của công nghệ. Chúng tôi đã nghiên cứu AI từ những ngày thành lập công ty và chắc chắn rằng AI đã, đang và sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong tương lai của Duolingo," ông Uriel Kejsefman cho biết thêm.
Được biết, Duolingo sẽ mang tới các tính năng học ngôn ngữ tích hợp công nghệ AI được xây dựng trên nền tảng GPT-4 của OpenAI, thông qua tính năng Duolingo Max. Tính năng này đã ra mắt tại các thị trường phát triển, và sẽ sớm ra mắt tại Đông Nam Á trong thời gian tới.
Tổ Quốc