Việt Nam có thể mất vị trí số 1 về hồ tiêu
Cảnh báo trên được đại diện Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) đưa ra tại hội nghị hồ tiêu quốc tế tổ chức ở TP HCM ngày 4-12.
- 04-12-2018Hồ tiêu được mùa, nông dân vẫn không vui
- 06-11-2018Nạn phá hoại hồ tiêu ở Đắk Lắk khiến nông dân điêu đứng
- 26-10-2018Hồ tiêu chết hàng loạt khiến nhiều hộ ở Đắk Nông nợ nần chồng chất
IPC cho rằng với tốc độ gia tăng năng suất và sản lượng hồ tiêu tại một loạt quốc gia như Brazil, Indonesia, Malaysia, Campuchia…, thị phần của Việt Nam đang bị đe dọa dù hiện tại chiếm trên 50% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Điều đáng lưu ý, các nước rất chú trọng đến vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm hồ tiêu, trong khi đây lại là điểm yếu của hồ tiêu Việt Nam.
Ngành hồ tiêu cần đi theo hướng giảm lượng, tăng chất
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, hồ tiêu vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhiều cơ hội đa dạng hóa ngành hàng, chủng loại sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian tới, ngành hồ tiêu sẽ không tăng diện tích thêm, thậm chí phải giảm. Doanh nghiệp và người sản xuất trong nước phải thay đổi theo hướng lấy chất lượng và an toàn thực phẩm làm đầu để cùng cam kết thực hiện. Ngoài ra, cũng cần đi vào nghiên cứu để gia tăng giá trị hồ tiêu bằng các sản phẩm chế biến sâu như hương liệu, sản phẩm có dược tính, thực phẩm chức năng…
Thống kê đến hết tháng 11, Việt Nam đã xuất khẩu được 220.000 tấn hồ tiêu, trị giá 718 triệu USD, giảm 32,5% giá trị so với cùng kỳ năm 2017, do giá hạt tiêu giảm đến 38%. Dù giá hồ tiêu giảm sâu nhưng theo các doanh nghiệp, mức giá này vẫn trên giá thành.
Người lao động