MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có tiềm năng gì để trở thành ‘cường quốc trong lĩnh vực bán dẫn’, hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 100 tỷ USD/năm?

30-09-2024 - 11:10 AM | Kinh tế số

Đứng trước các mục tiêu phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Việt Nam mang trong mình nhiều tiềm năng phát triển trong mắt các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế.

Việt Nam có tiềm năng gì để trở thành ‘cường quốc trong lĩnh vực bán dẫn’, hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 100 tỷ USD/năm?- Ảnh 1.

“Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành cường quốc trong lĩnh vực bán dẫn”

Chiều 24/4, phát biểu khai mạc tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển của mọi quốc gia và Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

Thủ tướng thông tin, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến cá nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Và cùng với một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Mục tiêu giai đoạn 2040-2050, Việt Nam hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn mục tiêu đạt trên 100 tỷ USD/năm. Mục tiêu này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công nghiệp bán dẫn trong phát triển kinh tế cũng như quyết tâm cao của Chính phủ trong lĩnh vực này.

Trong chuyến công du đến Việt Nam vào tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách tăng trưởng kinh tế, môi trường và năng lượng, ông Jose Fernandez từng nói: “Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành cường quốc trong lĩnh vực bán dẫn”.

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VEPR), như ông Jose Fernandez đã nói, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong hai lĩnh vực “nóng” nhất hiện nay là chip bán dẫn và năng lượng sạch. Vị chuyên gia phân tích, nước ta có lực lượng lao động rất trẻ có trình độ, là một điểm cộng nhân khẩu học. Bên cạnh đó, Việt Nam có thị trường nội địa 100 triệu dân, có văn hóa xuất khẩu, biết cách bán hàng ra nước ngoài. Vì tất cả những lợi thế đó, Việt Nam có thể giúp nhiều quốc gia đạt được mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đề cập đến việc hợp tác nguồn đào tạo nguồn lực chất lượng cao, công nghệ, khai thác đất hiếm với công nghệ cao mà Việt Nam chưa có. GS. TSKH Nguyễn Mại khẳng định, khi Mỹ hợp tác với Việt Nam về khai thác đất hiếm, chắc chắn công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh. Nhận định của nhiều nhà sản xuất đất hiếm và bán dẫn cho rằng, Việt Nam trong vòng 5-7 năm tới sẽ tham gia vào các cường quốc bán dẫn trên thế giới.

“Do đó, Việt Nam có lợi thế chồng lợi thế trong thu hút dòng vốn FDI mới. Khi Việt Nam vừa có nhân lực chất lượng cao, vừa có đất hiếm, vừa có chiến lược cùng sự hợp tác với các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành cường quốc bán dẫn” - chuyên gia này khẳng định.

Trên thực tế, nhờ vào sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ và doanh nghiệp, thời gian qua, Việt Nam thành công chinh phục các “ông lớn” trong lĩnh vực bán dẫn như: Samsung, Amkor, Qualcomm, Foxconn, Intel… thông qua nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất. Hồi tháng 7/2024, Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam đã quyết định mở rộng với vốn đầu tư tăng thêm gần 1,1 tỷ USD cho dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật thiệu, thiết bị bán dẫn tại Bắc Ninh. Trước đó, vào tháng 6, địa phương này cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh - với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in, tổng vốn đầu tư là 383,3 triệu USD.

Hội thảo AI và bán dẫn lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam

Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 1-2/10/2024. Các chương trình Ngày hội hướng tới đối tượng là doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và đặc biệt là giới trẻ Việt Nam với nhiều nội dung phong phú về công nghệ, việc làm, trải nghiệm công nghệ, bình chọn sản phẩm đổi mới sáng tạo và trình diễn nghệ thuật kết hợp công nghệ.

Tại họp báo công bố tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập NIC & Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin: “Nội dung lần này sẽ tập trung các lĩnh vực là Trí tuệ nhân tạo, Công nghiệp bán dẫn và Chuyển đổi xanh, qua đó giới thiệu tiềm năng phát triển của Việt Nam tới đối tác, cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kết nối đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế”.

Đặc biệt, là hoạt động trọng điểm Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2024, Hội thảo “Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng AI và bán dẫn” diễn ra chiều ngày 1/10/2024 quy tụ các diễn ra uy tín trong và ngoài nước, chia sẻ những xu hướng công nghệ mới nhất, đặc biệt là công nghệ AI và bán dẫn, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Đồng thời, hội thảo cũng tạo cơ hội cho các startup, doanh nghiệp và các nhà đầu tư gặp gỡ, hợp tác và kết nối.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Bộ Khoa Học Công nghệ, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước khác. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia và đóng góp tham luận của ông Nick Clegg, Chủ tịch Quan hệ toàn cầu Tập đoàn Meta và các lãnh đạo đến từ Tập đoàn Qualcomm, NVIDIA…

Nguyệt Lượng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên