Việt Nam có tỷ lệ tử vong ở người mắc ung thư cao hàng đầu châu Á, bác sĩ viện K chỉ rõ nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh "tử thần"
"Một loại ung thư có thể do nhiều yếu tố, một yếu tố có thể gây nhiều loại ung thư, thời gian tiếp xúc nguồn gây bệnh càng dài thì nguy cơ ung thư càng cao…", theo bác sĩ Hà Hải Nam, Bệnh viện K Tân Triều.
- 14-08-2020Người tu dưỡng được 3 đặc điểm này, càng lớn tuổi phúc khí càng dày, sống đời an nhiên, may mắn tự tìm tới
- 14-08-202030 tuổi không biết tương lai muốn gì mới thực sự đáng sợ: Không tìm ra lối đi riêng, tự tạo lộ trình cuộc đời, bạn sẽ mãi mãi "lạc đường"
- 12-08-20202/3 bệnh nhân phát hiện bị ung thư thì đã muộn: Bác sĩ BV K nhấn mạnh, thay đổi thói quen sống rất quan trọng để dự phòng bệnh này
Dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư
Cuộc sống hiện đại, con người càng đầy đủ về vật chất, thực phẩm, nhưng các bệnh tật cũng kéo theo đó mà gia tăng. Trong đó, bệnh ung thư là một "cơn ác mộng" mà không ai muốn gặp phải.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) ước tính trong năm 2018, có 18,1 triệu trường hợp mới và 9,6 triệu ca tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo chính cơ quan này, tại Việt Nam, số ca mắc mới ước tính năm 2018 là 164.671 (chiếm 0,17% dân số) và số ca tử vong ước tính năm 2018 là 114.871 ( chiếm 0,12% dân số). Cả hai số liệu thống kê này đã tăng gấp ba lần trong 30 năm qua, khi đó chỉ có 52.700 trường hợp mới và 37.700 trường hợp tử vong liên quan đến ung thư.
IARC cũng nêu trong báo cáo năm 2018 rằng, có 300 033 người hiện đang sống chung với bệnh ung thư tại Việt Nam. Theo báo cáo của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), tại Việt Nam, ở cả 2 giới, ung thư gan vẫn là ung thư phổ biến nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư (25.335 trường hợp mắc mới; 25.404 trường hợp tử vong), tiếp theo là phổi (23.667 trường hợp mới; 20.710 trường hợp tử vong), dạ dày (17.527 trường hợp mới; 15.065 trường hợp tử vong) và vú (15.229 trường hợp; 6103 trường hợp tử vong) .
Trò chuyện với phóng viên Trí thức trẻ, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, bệnh viện K Tân Triều cho biết: "Một trong những nguyên nhân lý giải điều này là sự gia tăng của các nguy cơ gây ung thư. Các tác nhân sinh ung thư bao gồm:Nhóm nguyên nhân ngoại sinh (hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia...), dinh dưỡng không hợp lý, nhóm tác nhân vật lý (tia phóng xạ, bức xạ cực tím từ ánh nắng...), nhóm sinh học (virus, vi khuẩn) và các nguyên nhân khác...".
Bác sĩ Nam phân tích, dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư, chiếm khoảng 35% trong các nguyên nhân gây bệnh. Nhóm tiếp theo là nguyên nhân ngoại sinh như hút thuốc, lạm dụng rượu bia (chiếm 30%), nhóm nguyên nhân do rối loạn nội sinh trong cơ thể (chiếm 10%)... Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm mũi họng, ung thư vú, ung thư nội tiết
Khẩu phần ăn có ít hoa quả, ít rau xanh, quá nhiều chất đạm, đặc biệt là mỡ động vật, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và nhiều ung thư khác. Thực phẩm không an toàn là thức ăn có nhiều chất có khả năng gây ung thư như dưa muối,cà muối, cá ướp muối chứa nhiều nitrat, nitrit gây ung thư thực quản, dạ dày; gạo mốc nhiều aflatoxin gây ung thư gan, thực phẩm hun khói, chất nhuộm màu công nghiệp…
Bác sĩ cũng nhấn mạnh: "Một loại ung thư có thể do nhiều yếu tố, một yếu tố có thể gây nhiều loại ung thư, thời gian tiếp xúc nguồn gây bệnh càng dài thì nguy cơ ung thư càng cao…".
Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong ở người mắc ung thư cao hàng đầu châu Á, trên 70%
So với các nước trên thế giới, Việt Nam có tỷ lệ mắc những bệnh ung thư như gan, dạ dày, vòm họng, cổ tử cung khá cao, trong khi tỷ lệ mắc các bệnh ung thư như ung thư vú, tuyến tiền liệt lại thấp.
Năm 2018, Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) cho biết thực trạng ung thư ở Việt Nam đứng thứ 78/172 nước được khảo sát về tỷ lệ mắc ung thư (thuộc nhóm 2). Theo số liệu của hội Ghi nhận Ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.
Một số báo cáo cho thấy, ung thư đại trực tràng ở Việt Nam dường như xuất hiện ở độ tuổi sớm hơn so với các nước khác thuộc cùng Châu Á Thái Bình Dương. Tỷ lệ các trường hợp ung thư đại trực tràng khởi phát sớm (dưới 50 tuổi) trong nghiên cứu này là 28%.
Dẫn chứng kết quả nghiên cứu của Thứ trưởng- GS Trần Văn Thuấn và cộng sự, bác sĩ Nam chỉ ra rằng, gánh nặng ung thư ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong 30 năm qua. Tỷ lệ mắc và tử vong gia tăng có thể được giải thích một phần bởi tỷ lệ ngày càng tăng của các yếu tố rủi ro cũng như những sự cải thiện trong việc thu thập dữ liệu của cơ quan đăng ký tử vong và ung thư.
Ở Việt Nam, 3 loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày.
Trong số tất cả các bệnh nhân bị ung thư, chỉ có 20% đến 30% trường hợp xuất hiện ở giai đoạn đầu và tỷ lệ tử vong trong năm đầu tiên lên tới 25%. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú ở Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia khác có cùng giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán.
Ở Việt Nam, ba loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày. Những bệnh lý này thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao hơn. Đặc biệt, người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ. Trên thực tế, tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cũng gần tương đồng với 1 số nước châu Á khác như Thailand, Philipines hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Để góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bác sĩ Nam khuyến cáo, ngoài vấn nạn thực phẩm ô nhiễm, mất an toàn nêu trên, Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ thuốc lá, rượu bia hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Thói quen này chắc chắn sẽ làm tăng số người mắc bệnh ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày… đồng thời khiến tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ cũng ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc thay đổi lối sống, hình thành thói quen lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý đặc biệt cần mọi người lưu tâm.