Việt Nam đã chi 11 tỉ USD nhập khẩu thép
Năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá gần 11 tỷ USD. Sắt, thép các loại năm 2016 chủ yếu nhập từ Trung Quốc, tăng 14,25% về lượng và 7,1% về giá trị so với năm 2015.
- 11-10-2016Nhập khẩu thép tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ
- 16-09-2016Nhập khẩu thép tăng trở lại
- 26-07-2016Nhập khẩu thép tăng vọt
Báo cáo mới đây của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá gần 11 tỉ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch thép xuất khẩu các loại chỉ ở mức 3,9 tỉ USD xuất khẩu chủ yếu sang các nước ASEAN, Mỹ. Như vậy, cả năm 2016, Việt Nam đã nhập siêu các sản phẩm thép lên tới hơn 7 tỉ USD.
Thị trường nhập khẩu chính năm 2016 đối với mặt hàng này từ Trung Quốc với 10,85 triệu tấn, trị giá hơn 4,45 tỉ USD, tăng 14,25% về lượng và 7,1% về trị giá so với năm trước; Nhật Bản đạt gần 2,64 triệu tấn, trị giá gần 1,19 tỉ USD, tăng 2,2% về lượng và 6,4% về trị giá; Hàn Quốc đạt hơn 1,8 triệu tấn, trị giá gần 1,01 tỷ USD, tăng 3,16% về lượng và giảm 3,37% về trị giá.
Một báo khác của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho biết, xét về nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch lớn nhất trong năm 2016, nhóm hàng HS 72.25 thép hợp kim, cán phẳng, rộng trên 600 mm, chiếm đến 26,8% tổng kim ngạch, tiếp đến là nhóm hàng HS 72.08 sắt hoặc thép không hợp kim cán phẳng rộng trên 600 mm, chưa phủ mạ hoặc tráng và nhóm HS 72.10 sắt hoặc thép không hợp kim cán phẳng rộng trên 600 mm đã phủ mạ hoặc tráng lần lượt chiếm tỷ trọng 16,2% và 13,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trước tình trạng nhập khẩu thép “khủng” như thời gian vừa qua, mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng dự báo, năm 2017 ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước đặc biệt là Trung Quốc.
Tháng 3.2016 vừa qua, trước tình trạng nhập khẩu thép ồ ạt, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự vệ lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.
Tuy nhiên, sau đó, thép ngoại đã “lách” bằng cách kê khai mặt hàng thép dây cuộn, một trong những sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại sang mã HS khác. Điều này, theo phản ánh của Hiệp hội Thép Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thép thuộc mã hàng phải áp dụng thuế tự vệ 10 tháng đầu năm 2016 giảm, chỉ bằng 69,87% so với cùng kỳ và bằng 58,22% so với cả năm 2015 trong khi kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thép thuộc mã hàng không chịu thuế tự vệ 10 tháng đầu năm 2016 tăng mạnh bằng 155,91% so với cùng kỳ và bằng 129,93% so với cả năm 2015.
Nhận định về vấn đề này, Bộ Tài chính tại một văn bản trả lời Hiệp hội Thép cho biết, có hiện tượng tăng nhập khẩu các mặt hàng thép không chịu thuế tự vệ và giảm nhập khẩu đối với thép chịu thuế tự vệ, Bộ Tài chính đã đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế đối với các mặt hàng này.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc gian lận, trốn thuế từ trước đến nay đều là vấn đề mà các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt và tìm nhiều biện pháp để quản lý, ngăn ngừa, đặc biệt đối với mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, có thuế suất thuế nhập khẩu cao.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trước tình trạng thép nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, Bộ Công Thương đã áp thuế tự vệ tuy nhiên, thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục ồ ạt vào Việt Nam, thậm chí tìm cách “lách” thuế do đó các cơ quan chức năng đặc biệt là hải quan cần kiểm tra chặt chẽ hơn.
Lao động