Việt Nam đang nắm quyền chi phối thị trường hồ tiêu toàn cầu
Nắm khoảng 60% lượng hạt tiêu hàng hóa của thị trường hồ tiêu toàn cầu, nếu Việt Nam có động thái giảm hoặc không đưa hàng ra thị trường thế giới thì giá sẽ lập tức biến động...
Hàng năm, cứ vào tháng 1 thì các vùng trồng hồ tiêu bắt đầu thu hoạch, đến tháng 3 sẽ kết thúc. Hiện người nông dân đang trong giai đoạn thu hoạch rộ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong hai ngày 17 và 18/2, giá hồ tiêu trên thị trường nội địa liên tục tăng mạnh, đến sáng 19/2 thì đồng loạt ổn định trong khoảng 84.000 - 87.000 đồng/kg; so với tháng 12/2021 cao hơn 1.000 đồng/kg nhưng nông dân không vội bán ra.
Cụ thể, tại tỉnh Gia Lai có mức thấp nhất 84.000 đồng/kg, Đồng Nai giá 84.500 đồng/kg, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông hiện không đổi so với hôm qua và ở mức 85.500 đồng/kg. Tương tự, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt ở mức 86.000 đồng/kg và 87.000 đồng/kg.
Không còn tình trạng "được mùa, rớt giá"
Ông Đỗ Hà Nam, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group cho biết, hiện các vùng trồng tiêu trọng điểm đang thu hoạch rộ, giá tiêu trên thị trường đã tăng lên gần 90.000 đồng/kg và có nhiều dự đoán sẽ chạm mốc 100.000 đồng/kg.
Sở dĩ có tình trạng đầu vụ giá hạt tiêu thấp vào chính và cuối vụ thì giá tăng cao là do khi mới vào vụ thu hoạch, những hộ dân cần bán đã bán trước Tết để có tiền trang trải chi phí mùa vụ và sinh hoạt gia đình. Bây giờ hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá tiêu trên thị trường vẫn tăng mạnh vì những hộ có điều kiện không muốn bán hàng ra, mà có xu hướng giữ lại hoặc chỉ bán nhỏ giọt để chờ tín hiệu thị trường.
“Ở Việt Nam bây giờ giá tiêu lên không ảnh hưởng bởi mùa vụ thu hoạch có nhiều hay ít hàng, mà do người nông dân muốn giữ hàng lại không bán ra. Năm nay tiêu Việt Nam được mùa lớn giá hồ tiêu nhưng trên thị trường giá vẫn tăng do người nông dân đang điều tiết tốt giá trên thị trường.
Do nông dân trồng tiêu bây giờ phần lớn là những người có đời sống kinh tế dư giả nên vô chính vụ họ không muốn bán vội mà bán từ từ để dò xét phản ứng thị trường, vì đối với họ loại hàng hóa này là tiền tệ, cần đến đâu thì họ bán đó. Còn những hộ kinh tế khó khăn cần bán thì đã bán ngày đầu vụ.
Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới nên cả người mua lẫn người bán đều nhìn ngó Việt Nam. Một khi Việt Nam giảm mạnh lượng bán ra khi đó giá tiêu sẽ tăng đột biến và là mối lo lớn nhất của thị trường hạt tiêu toàn cầu”, nguyên Phó chủ tịch VPA phân tích.
Thị trường hồ tiêu toàn cầu dần đi vào ổn định
Theo VPA, thị trường hồ tiêu đã đi vào ổn định, nếu có tăng hay giảm đều ở mức có thể dự báo được. Trong kinh doanh mọi người rất cần sự ổn định, khi đó các nhà kinh doanh sẽ dự báo được tình hình thị trường để tiến hành các hoạt động giao dịch mua bán.
Sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2022 được dự báo sẽ đạt khoảng 533.000 tấn, giảm nhẹ so mức 538.000 tấn của năm 2021. Sản lượng của Việt Nam dự kiến đạt trên 200.000 tấn (giảm 10-15%), sản lượng của Ấn Độ ước đạt 60.000 tấn; Indonesia là 50.000 tấn; Brazil lên mức 105.000 tấn (tăng 10-15%).
Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh có triển vọng được kiểm soát tốt hơn, việc giao lưu sinh hoạt cộng đồng, ăn uống vui chơi giải trí tăng nhu cầu hồ tiêu trên thị trường sẽ tăng lên, nhu cầu hồ tiêu trên thị trường toàn cầu sẽ tăng từ 1% - 3% so với năm rồi, và ngành hồ tiêu Việt Nam năm nay dự đoán vẫn sẽ được hưởng lợi về giá do nguồn cung hạn chế.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, xuất khẩu hồ tiêu đạt 15.784 tấn, trị giá 74.184.573 USD, so với tháng 12/2021 tăng 4,9% về lượng và tăng 4,7% về giá trị. So với cùng kỳ năm trước giảm 6,1% về lượng nhưng tăng 53% về kim ngạch nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh.
Các thị trường xuất khẩu chính tăng trưởng tốt
Năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu đạt 261 ngàn tấn, với kim ngạch 937,850 triệu USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 42% về giá trị so với năm 2020.
Các thị trường chính xuất khẩu hồ tiêu lần lượt là: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất, Đức, Pakistan và Hà Lan. Xét về mặt khối lượng chỉ có thị trường Ấn Độ giảm còn lại hầu hết đều tăng nhưng tăng mạnh nhất là thị trường Hà Lan, Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất, Đức và Hoa Kỳ.
Cụ thể: Thị trường Hoa Kỳ về nhất với khối lượng xuất khẩu đạt 59.278 tấn trị giá 228.988.712 USD, so với năm 2020 tăng 6,29% về lượng và tăng 60,61% về kim ngạch.
Kế đến là thị trường Ấn Độ đạt 12.248 tấn, trị giá 43.762.507 USD, so với năm rồi giảm về lượng 0,78% nhưng tăng 54,75% về giá trị.
Thứ ba là thị trường Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất với khối lượng xuất khẩu đạt 15.723 tấn, trị giá 56.061.631 USD, so với năm 2020 tăng 21,1% về lượng và tăng 84,61% về kim ngạch.
Thứ tư là thị trường Đức: 11.761 tấn, trị giá 52.028.375 USD, so với năm ngoái tăng 8,8% về lượng và tăng 70,51% về kim ngạch.
Pakistan đứng thứ năm với10.224 tấn, trị giá 34.615.687 USD, so với năm 2020 tăng 1,57% về lượng và tăng 59,05% về kim ngạch.
Thứ sáu là thị trường Hà Lan với khối lượng xuất khẩu đạt 10.062 tấn, trị giá 43.475.013 USD, so với năm trước tăng 26,43% về lượng và tăng 72,86% về giá trị.
Việt Nam không chỉ xuất khẩu hồ tiêu mà cũng là nước nhập khẩu tiêu. Năm 2021, ba thị trường chính là Indonesia, Campuchia và Brazil cung cấp hạt tiêu chủ yếu cho Việt Nam chiếm 86%. So với năm 2020, lượng hạt tiêu nhập khẩu từ Indonesia giảm 51,5% và từ Brazil giảm 42% trong khi nhập khẩu từ Campuchia tăng 123%.
Nhập khẩu hạt tiêu giảm mạnh trong năm 2021 là do sản lượng của các nguồn cung chính không dồi dào như những năm trước, trong khi giá cước vận chuyển cũng như giá hạt tiêu tăng cao cũng làm giảm sự hấp dẫn của tiêu nhập khẩu.
BizLive