Việt Nam đang ở thời điểm vàng hiếm có để bứt phá, tạo vị thế mới trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu
Sáng 26/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống VCCI. Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, VCCI quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng.
- 26-04-2023Khó hiểu với giá vé máy bay nhảy múa!
- 26-04-2023Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7
- 26-04-2023Địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước
Trong nhiều năm qua, VCCI là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Định kỳ hàng tháng, hàng quý VCCI tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị để xử lý, giải quyết.
Mỗi năm, hệ thống VCCI trong cả nước tổ chức hàng nghìn hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tư vấn đào tạo doanh nghiệp, các hoạt động giao lưu quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực và phát triển sản xuất kinh doanh. VCCI cũng là chỗ dựa và kết nối hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước. Từ 93 hội viên ban đầu, đến nay VCCI có mạng lưới hội viên toàn quốc gồm trên 200 nghìn DN và trên 200 hiệp hội doanh nghiệp.
Một trọng tâm lớn mà VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới, đó là xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh để tự định vị bản sắc và vị thế của mình trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp quốc tế.
Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam cần được xây dựng dựa trên kết hợp những tinh hoa của văn hóa Việt Nam với tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới. Văn hóa phải trở thành sức mạnh mềm, soi đường và tiếp sức cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, có vị thế và uy tín ngày càng cao ở trong nước cũng như quốc tế.
Chia sẻ bên lề sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập VCCI, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, năm 2023 có rất nhiều thách thức cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Nhưng Việt Nam đang ở thời điểm vàng để bứt phá, tạo vị trí mới trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Chuỗi này do đại dịch Covid-19, rồi chiến tranh, rồi xung đột các nước lớn nên vừa qua đã có những đứt gãy, xáo trộn, tạo cơ hội cho những "người đi sau" như Việt Nam len vào.
Đúng lúc này, kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đạt độ chín cả về quy mô, năng lực, vị thế để có thể chen vào và giữ một vị trí tốt trong chuỗi.
Nắm được thời cơ để tham gia vào chuỗi toàn cầu đi cùng với dòng chảy phát triển của thế giới sẽ tạo ra một vị thế mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Thật là cơ hội vàng hiếm có. Nếu Việt Nam tận dụng được, khát vọng 22 năm nữa thành quốc gia phát triển sẽ thành sự thực.
Bên cạnh đó, VCCI cho ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ngay trong Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống VCCI. Hội đồng gồm 21 thành viên đầu tiên là đại diện các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam với 3 đồng Chủ tịch là: Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Chủ tịch Tập đoàn THACO Trần Bá Dương và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.
Hội đồng được thành lập trên cơ sở Nhóm công tác Doanh nghiệp đầu ngành đã được Ban Chấp hành VCCI thành lập từ ngày 26/5/2022, do ông Trần Bá Dương làm Trưởng Nhóm.
Hội đồng có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành Việt Nam, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển các ngành, các địa phương, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trong ngành phát triển, qua đó tham gia phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Nhịp sống kinh tế