MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao để làm gì?

Dù bối cảnh nhiều khó khăn, thực tế đang có dấu hiệu chậm lại, nhưng có ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Vậy, đặt mục tiêu tăng trưởng cao so với “mặt bằng chung” trên thế giới, thậm chí mục tiêu cao hơn nữa so với chính Việt Nam hiện nay, để làm gì?

Câu hỏi trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với “Chiến lược 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm” do Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII tổ chức ngày 26/8.

Thực tế những năm gần đây, tại những thời điểm thử thách như trong năm 2017 và 2018, nhiều lần Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP.

Năm nay cũng vậy, sau dấu hiệu chậm lại nửa đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh kiên quyết không hạ bất cứ chỉ tiêu nào, đặc biệt là tăng trưởng GDP.

Như câu hỏi trên, vậy quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP, thậm chí phấn đấu tăng trưởng cao hơn nữa để làm gì?

Tại hội nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra câu trả lời.

Người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ này đặt vấn đề: Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6-7%/năm nhưng cần chú trọng hơn các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, đời sống của người dân. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, khoảng 7-8 %/năm.

“Chúng ta đặt ra mục tiêu này để làm gì? Nhìn trên bản đồ thế giới và khu vực chỉ có tăng trưởng cao như vậy, chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có “chiếc bánh” lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Và chỉ có như vậy chúng ta mới có nhiều việc làm, có thu nhập cho người lao động để nâng cao hơn nữa đời sống người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lý giải.

Mục tiêu có thể chủ quan xác định, nhưng khi đặt ra có thực hiện được không?

Câu hỏi tiếp theo này, Thủ tướng cho biết cá nhân ông và các thành viên trong Tiểu ban rất trăn trở.

Để thực hiện mục tiêu, nhìn từ bên trong, theo đánh giá từ bên ngoài, tiềm năng đất nước con người Việt Nam là rất lớn, thế và lực của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, nhiều lĩnh vực còn dư địa rất lớn.

“Chúng ta có nguồn lực dồi dào, chất lượng, có vị trí địa chính trị kinh tế quan trọng, có tài nguyên phong phú, tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch đều rất lớn”, Thủ tướng nói.

Cùng đó, Việt Nam có chế độ chính trị xã hội ổn định, hội nhập ngày càng sâu rộng, uy tín vị thế ngày càng được nâng cao.

Với những yếu tố trên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, có thể khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này.

Kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đều có thời kỳ tăng trưởng thần kỳ, 10%/năm trong vài chục năm trong bối cảnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức tương tự như Việt Nam hiện nay.

Để làm được điều đó, theo Thủ tướng, Việt Nam cần có chiến lược, định hướng giải pháp mạnh mẽ, đột phá; có cách làm, có lộ trình bước đi phù hợp; đặc biệt bao trùm lên tất cả là sự đồng thuận, trên dưới một lòng, là tinh thần ý chí khát vọng vươn lên của tất cả các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Thực tế cho thấy giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị có điều kiện hoàn cảnh tương đồng, nơi nào làm quyết liệt, nỗ lực đổi mới vươn lên thì nơi đó đạt kết quả tốt.

“Nếu chúng ta không có khát vọng vươn lên, không tự tạo ra sức ép đổi mới với chính mình, thực sự thay đổi tư duy cách làm, không nỗ lực phấn đấu quyết liệt, chúng ta không thể nào đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, ngay cả tăng trưởng khoảng 6%/năm, cũng khó đạt được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị trên.

Theo Thanh Bình

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên