Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số ổn định, thịnh vượng vào năm 2025
Trong đó, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông hàng năm bằng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước; Có 50.000 doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông, trong đó 10 doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế với quy mô trên 1 tỷ USD. Có 10 địa phương phát triển ngành này đạt doanh thu trên 1 tỷ USD.
- 24-04-2020Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong: Hậu Covid-19, Việt Nam sẽ thực sự "lột xác" nếu biết tận dụng lợi thế
- 23-04-2020Bằng chứng này cho thấy đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam
- 23-04-2020Sự gián đoạn của Trung Quốc và giải pháp Việt Nam đưa ra để "cứu" ngành sản xuất là gì?
Đây là mục tiêu đặt ra tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chương trình đặt mục tiêu, giai đoạn đến 2025: Xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, dựa trên những thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây sẽ trở thành động lực thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, chuyển đổi số các hoạt động kinh tế-xã hội, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.
Cụ thể, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông hàng năm bằng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước; Có 50.000 doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông, trong đó 10 doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế với quy mô trên 1 tỷ USD. Có 10 địa phương phát triển ngành này đạt doanh thu trên 1 tỷ USD.
Dự thảo nêu rõ các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm CNTT trọng điểm trong đó đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các khu CNTT tập trung theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, vườn ươm công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, nâng cao tính tự chủ, vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Hỗ trợ phát triển thị trường thông qua việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chương trình xây dựng đô thị thông minh, Chương trình phát triển chính phủ điện tử…
Dự thảo cũng nêu một nhiệm vụ quan trọng nữa là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp, trước hết là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cần phối hợp với các trường đại học để hình thành các vườn ươm công nghệ khởi nghiệp sáng tạo tại trường, hỗ trợ sinh viên hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.
Dự thảo đề xuất giải pháp thực hiện nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, CNTT, điện tử viễn thông trong bối cảnh CMCN4; khu công nghiệp công nghệ số; trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ số; sản phẩm công nghệ số, bảo hộ sở hữu trí tuệ trên môi trường số; cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số.
Cùng với đó hoàn thiện khung pháp lý về mô hình chuỗi công viên phần mềm; đầu tư, nâng cấp chuỗi công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở liên kết các địa phương có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, tài chính,.. từ đó hình thành một hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ các trung tâm công nghệ số của các lĩnh vực chuyên ngành.
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình bao gồm: Nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, nguồn vốn của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn vốn nước ngoài, bao gồm nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.