MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đưa ra mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD cà phê vào 2030

08-12-2017 - 22:11 PM | Thị trường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đầu tư 170 tỷ đồng vào Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”...

Mặc dù đã 20 năm Việt Nam chiếm giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới, nhưng 90% lượng cà phê xuất khẩu dưới dạng thô, không nhãn mác, không thương hiệu; vì vậy, kim ngạch không cao và bấp bênh.

Xuất khẩu cà phê chỉ trong vòng 20 năm qua đã tăng nhanh cả về lượng và giá trị. Nếu năm 2000, Việt Nam xuất khẩu 680.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch trên 500 triệu USD thì đến năm 2016, XK cà phê đã lên tới mốc kỷ lục 1,78 triệu tấn với kim ngạch 3,34 tỷ USD, tăng 32,8% về lượng và tăng 24,7% về giá trị so với năm 2015. Nếu năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới chỉ đạt 1% thị phần thế giới, thì đến niên vụ 2015-2016, Việt Nam đã chiếm gần 20% sản lượng của thế giới.

Tuy vậy, giá trị xuất khẩu cà phê tăng trưởng không vững vàng và lên xuống rất thất thường. Những năm gần đây, ngành cà phê chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu; đặc biệt, năm 2016, ngành cà phê chịu cảnh hạn hán gay gắt nhất trong vòng 30 năm qua.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định, cách đây 10 năm, cây cà phê đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng triệu người nông dân. Nhưng những năm gần đây cà phê ngày càng già cỗi, năng suất và chất lượng hạt cà phê đều suy giảm dẫn đến giá trị hạt cà phê không tương xứng với công sức mà người nông dân bỏ ra. Đây là hệ quả của 3 vấn đề lớn: vấn đề thực hiện tái canh; vấn đề đất trồng; và kỹ thuật thu hoạch, chế biến cà phê. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng của việc cà phê Việt Nam mất sản lượng và giảm chất lượng sau thu hoạch, đó là thói quen thu hoạch hạt cà phê xanh và chín lẫn lộn; kỹ thuật sơ chế, phơi sấy, bảo quản hạt cà phê thu hoạch còn non kém cũng dẫn đến chất lượng hạt nát vụn, ẩm mốc... Trong khi đó, lượng cà phê già cần phải tái canh trong 5 năm tới lên đến 160.000 ha, nhưng tiến độ tái canh diễn ra chậm chạp.

Chính vì chất lượng hạt cà phê thấp, không đồng đều nên giá xuất khẩu luôn thấp so với thế giới. Thêm vào đó, 90% lượng cà phê xuất khẩu dưới dạng thô, không nhãn mác, không thương hiệu càng khiến giá trị xuất khẩu bấp bênh. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam đang trở thành vấn đề bức thiết.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 4653/QĐ-BNN-KHCN về việc phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao", giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, đề xuất các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đối với sản phẩm cà phê trên cả nước, ưu tiên cho các vùng chủ lực là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc đến năm 2020.

Đề án này đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất. Nâng cao chuỗi thu nhập của người trồng cà phê trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: Đến năm 2020 tăng 5% và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013-2014.

Bên cạnh đó, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; nâng giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đến 2020 tương đương với các nước trong khu vực và thế giới trong cùng nhóm chất lượng.

Về kỹ thuật, sẽ thực hiện nghiên cứu tuyển chọn và lai tạo 4 giống cà phê mới (chè và vối) chất lượng cao, cỡ hạt to, đồng đều, chín tập trung thích hợp cho các vùng sinh thái. Nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch; nghiên cứu làm chủ công nghệ chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao.

Hoàn thiện quy trình canh tác cà phê chất lượng cao bền vững theo hướng GAP; quy trình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu và trồng xen phù hợp, quy trình sơ chế, bảo quản cà phê nhân nông hộ.

Tổng kinh phí thực hiện đề án này khoảng 170 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước là 110 tỷ đồng; vốn từ các doanh nghiệp, nông dân, vốn vay tín dụng là 60 tỷ đồng.

Chủ tịch Vicofa, ông Lương Văn Tự cho rằng, dư địa giá trị gia tăng của ngành cà phê còn nhiều.

Do vậy, ngành cà phê cần có nguồn vốn lớn và thực hiện đồng bộ các giải pháp làm tăng năng suất cây trồng và chất lượng của các sản phẩm chế biến. Ngành cà phê phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu: Giữ vững vị trí thứ 2 về sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân trên thế giới; đẩy mạnh khâu chế biến cà phê rang xay, hòa tan, các sản phẩm khác, đưa giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 đạt 6 tỷ USD, tức là cao gần gấp đôi so với hiện nay.

Theo Chu Khôi

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên