MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam duy trì chính sách nới lỏng trong khi FED “thắt” van tiền có gây bất ổn trong tương lai?

Việt Nam duy trì chính sách nới lỏng trong khi FED “thắt” van tiền có gây bất ổn trong tương lai?

"Việc FED tăng lãi suất nhanh hơn có thể làm lũng đoạn thị trường tài chính và thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu. Những diễn biến này có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra và đồng tiền mất giá ở các thị trường mới nổi", các chuyên gia của IMF cho hay.

Trong một bài phân tích mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về mức độ tác động đến các nền kinh tế mới nổi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt các chính sách, các chuyên gia kinh tế cho biết, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ diễn ra một cách từ từ, được thông báo rõ ràng có thể sẽ ít tác động đến các thị trường mới nổi, với nhu cầu nước ngoài bù đắp tác động của chi phí tài chính tăng.

Thế nhưng, lạm phát tiền lương trên diện rộng của Mỹ hoặc sự tắc nghẽn nguồn cung liên tục có thể đẩy giá cả cao hơn dự đoán và thúc đẩy kỳ vọng lạm phát nhanh hơn, khiến FED tăng lãi suất nhanh hơn.

"Các nền kinh tế mới nổi nên chuẩn bị cho những đợt bất ổn kinh tế tiềm tàng", IMF nhấn mạnh.

"Việc FED tăng lãi suất nhanh hơn có thể làm lũng đoạn thị trường tài chính và thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu. Những diễn biến này có thể đi kèm với sự chậm lại của nhu cầu và thương mại của Mỹ, đồng thời có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra và đồng tiền mất giá ở các thị trường mới nổi", các chuyên gia của IMF cho hay.

IMF cho rằng, các thị trường mới nổi với nợ công và tư nhân cao, chênh lệch tỷ giá hối đoái và số dư tài khoản vãng lai thấp, đã chứng kiến sự biến động lớn hơn giữa giá trị đồng tiền của những nước này so với đô la Mỹ. 

Do đó, IMF khuyến nghị, các thị trường mới nổi với áp lực lạm phát mạnh hơn, hoặc các thể chế yếu kém hơn nên nhanh chóng hành động như tăng lãi suất. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng có thể công bố kế hoạch thúc đẩy nguồn lực tài chính bằng cách gia tăng việc thu thuế, thực hiện cải cách lớn về lương hưu và trợ cấp, hoặc các biện pháp khác.

Để đánh giá xem nơi nào phải đối mặt với sức ép lớn nhất từ việc FED đang thắt chặt chính sách, The Economist đã thu thập dữ liệu vĩ mô của 40 nền kinh tế mới nổi. Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, mức nợ cao (đặc biệt là nợ nước ngoài), lạm phát tràn lan và dự trữ ngoại hối thiếu hụt là những chỉ số có thể gây rắc rối cho các quốc gia, nếu dòng vốn đảo chiều do Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Việt Nam duy trì chính sách nới lỏng trong khi FED “thắt” van tiền có gây bất ổn trong tương lai? - Ảnh 1.

Kết hợp các thông số này của các quốc gia sẽ tạo ra "chỉ số dễ bị tổn thương" (Vulnerability Index). Kết quả là một số thị trường sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng. Ví dụ như Argentina, quốc gia đứng đầu danh sách về chỉ số này. Họ phải đối mặt với lạm phát trên 50% và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.

Mặc dù IMF khuyến cáo các nền kinh tế mới nổi nên nhanh chóng hành động như tăng lãi suất, thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1% trong 2 năm” – chuyên gia của SSI Research dự báo.

Thế nhưng, quy chiếu về mức độ tổn thương trước việc thắt chặt tiền tệ của FED, Việt Nam được đánh giá sẽ ít phải chịu tác động. SSI Research cho biết, đà hồi phục kinh tế của các quốc gia trên thế giới là không giống nhau, do đó cũng không thế kỳ vọng các ngân hàng trung ương đều nhìn về một hướng. Điều này đặc biệt đúng với các nền kinh tế mới nổi, khi mà tăng trưởng chưa thể quay lại mức trước đại dịch.

"Chính sách tiền tệ/ tài khóa của Việt Nam sẽ lệch pha với xu hướng chung trên thế giới. Việt Nam, cũng như một số nước đang phát triển, có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ít nhất là thêm một năm nữa", SSI Research cho biết.

"Mặc dù vẫn phải đối mặt với rủi ro lạm phát, việc thận trọng mở cửa trở lại do biến thể Omicron có thể giúp làm giảm áp lực lên mặt bằng giá cả chung, tạo ra không gian cho các nhà hoạch định chính sách. Lãi suất chạm đáy trong năm 2022, nhưng xu hướng của lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế. Theo kịch bản cơ sở, lãi suất ước tăng không đáng kể trong năm 2022, và không tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh", SSI Reseacrh nhận định.

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên