MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam học được gì từ Nhật Bản - quốc gia có năng suất lao động cao gấp 4 lần?

Việt Nam học được gì từ Nhật Bản - quốc gia có năng suất lao động cao gấp 4 lần?

Năng suất lao động (NSLĐ) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Do đó, các nước trên thế giới luôn tìm cách để thúc đẩy tăng NSLĐ thông qua tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp mũi nhọn bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, đầu tư, đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề cho nguồn lao động, hoặc chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn quốc gia.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và các nền kinh tế châu Á tiên tiến khác đã đạt được nhiều thành công trong nâng cao chất lượng lực lượng lao động và thiết lập vị thế cạnh tranh dựa trên năng suất lao động. 

Đây là những quốc gia đã từng có NSLĐ hàng đầu thế giới và khu vực ở một số giai đoạn nhất định nhờ áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng NSLĐ, cũng như từng có những giai đoạn chứng kiến NSLĐ sụt giảm do phải đối mặt với những thách thức riêng biệt. 

Chính vì vậy, theo báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp của Tổng cục Thống kê, kinh nghiệm thúc đẩy tăng NSLĐ của các quốc gia này là những bài học thiết thực để các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng phù hợp với bối cảnh cụ thể của đất nước. 

Bài học từ Nhật Bản

Chiến tranh thế giới thứ hai đã gây thiệt hại nặng nề cho Nhật Bản với tổng giá trị thiệt hại lên tới 61,3 tỷ yên. Sau khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Nhật Bản bị rơi vào khủng hoảng trầm trọng: Thiếu năng lượng, lạm phát tăng, 13,1 triệu người không có việc làm. Nhật Bản đã từng bước khôi phục nền kinh tế và khiến thế giới ngỡ ngàng khi kinh tế phát triển chóng mặt, không chỉ vực dậy được quy mô trước chiến tranh mà còn lớn mạnh hơn rất nhiều lần. Có được sự phát triển thần kỳ như vậy, yếu tố đầu tiên được nhắc đến là con người. 

Nhật Bản đã chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề, có đủ khả năng nắm bắt, sử dụng kỹ thuật và công nghệ mới để tăng NSLĐ. Giai đoạn từ 1960-1980, Nhật Bản được biết đến là nước có NSLĐ cao hàng đầu thế giới và có quá trình cải thiện NSLĐ hiệu quả. Đạt được thành tựu này là do Nhật Bản đã sử dụng 3 công cụ quan trọng trong cải thiện NSLĐ, gồm: Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện; Bảo trì năng suất tổng thể và Sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục. 

Nhờ các biện pháp tăng NSLĐ hiệu quả này cùng với chiến lược phát triển của Chính phủ Nhật Bản, nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển thần kỳ và trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới, một siêu cường kinh tế.  

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, NSLĐ của Nhật Bản sụt giảm đáng kể. Từ một nước đi đầu trong công cuộc tự động hóa, tập trung nâng cao khả năng sản xuất nhưng Nhật Bản lại là nước có năng suất làm việc thấp nhất trong nhóm G7. Tốc độ tăng NSLĐ của Nhật Bản đã đình trệ dưới 2% trong suốt hai thập kỷ qua, khoảng cách tăng trưởng năng suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển ngày càng lớn. Cải thiện NSLĐ là một trong những bài toán của Nhật Bản. Vấn đề này càng trở nên rõ ràng hơn khi Nhật Bản có NSLĐ vẫn ở mức thấp. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Nhật Bản đã đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng sụt giảm NSLĐ như sau: 

- Giữ chân lao động lớn tuổi nhiều kinh nghiệm. Nhật Bản đang tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi vào năm 2025, đồng thời đưa ra các lựa chọn việc làm cho những người lao động đến tuổi nghỉ hưu, giữ chân lao động lớn tuổi và hỗ trợ lao động tạm thời. Các công ty tư nhân nỗ lực thực hiện các mô hình việc làm linh hoạt hơn và điều chỉnh các hình thức lao động để thu hút người lao động lớn tuổi ở lại làm việc. 

- Giải quyết hạn chế về nguồn cung lao động bằng cách xem xét lại chính sách nhập cư và áp dụng các công nghệ thế hệ mới. Cụ thể: Tạo môi trường lao động công bằng cho cả lao động lâu dài và lao động tạm thời; xây dựng các chương trình đào tạo lại nhằm đáp ứng được những yêu cầu mới của doanh nghiệp; khai thác sức mạnh của dữ liệu lớn; đưa tự động hóa lên cấp độ cao hơn; triển khai các công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất và tiếp tục hành trình số hóa. 

- Cải cách hệ thống giáo dục nhằm phát triển tài năng và năng lực dài hạn: tạo ra một thế hệ lao động mới có kỹ năng giỏi và tư tưởng tiến bộ nhằm tăng năng suất và tính cạnh tranh; đẩy mạnh tư duy toàn cầu; xây dựng kênh kết nối giữa giáo dục và việc làm thực sự; thu hút tất cả các nguồn lực để đào tạo nhân tài, năng lực lãnh đạo và kỹ năng cho tương lai. 

- Tăng cường văn hóa khởi nghiệp: tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp, công ty thành lập mới, đặc biệt hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp, tạo ra một hệ sinh thái cho phép các doanh nghiệp đổi mới và phát triển. 

- Thực hiện cải cách định hướng thị trường để tăng tính cạnh tranh: Giảm sự can thiệp của Chính phủ vào một số lĩnh vực cụ thể, gỡ bỏ rào cản cho các công ty khởi nghiệp và giảm bảo trợ đối với các công ty hoạt động kém hiệu quả. 

- Cải thiện năng suất trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và tái cấu trúc để tạo ra môi trường công nghiệp cạnh tranh và dễ thích ứng hơn. 

- Cải cách phong cách làm việc: Từ năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình cải cách phong cách làm việc, theo đó tổng số giờ làm thêm đã giảm và số ngày nghỉ phép năm mà người lao động sử dụng đã tăng lên. 

- Thay đổi phương thức làm việc, chuyển sang làm việc từ xa, làm việc tại nhà nhiều hơn và thay đổi cơ cấu tại nơi làm việc, tăng sử dụng lao động là phụ nữ và người nước ngoài. 

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp đã từng bước áp dụng các giải pháp nêu trên để cải thiện NSLĐ nhưng hơn ba thập kỷ qua NSLĐ của Nhật Bản vẫn ở mức thấp so với các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và nhóm các nước G7. Theo xếp hạng của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tháng 9/202115 cho các quốc gia trong khu vực, chỉ số NSLĐ của Nhật Bản tính chung theo 4 trụ cột chính (kinh tế, toàn cầu hóa, quy định thị trường và chất lượng thể chế) xếp thứ 3 sau Singapore và Trung Quốc.

Nhã Mi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên