MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Việt Nam không nên làm sắt thép nữa”

Trước đề xuất xây siêu dự án thép ven biển 10,6 tỉ USD ở Ninh Thuận, GS Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho rằng thế giới cơ bản chỉ Trung Quốc còn sản xuất thiết bị thép lò cao, VN không nên làm thép nữa.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong thu hút đầu tư, ông Nguyễn Mại đề nghị VN không nên đi vào “vết xe” của nhiều nước đã đi hàng thế kỷ nay.

* Sau dự án thép của Formosa gây ô nhiễm môi trường, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đề xuất siêu dự án thép nhưng với cam kết rất cao. Bộ Công thương cũng đã đưa dự án vào quy hoạch. Ông có cảm thấy lo ngại?

GS Nguyễn Mại - Ảnh: TRUNG HÀ

- Formosa là một câu chuyện hi hữu ở VN, còn trên thế giới dự án 10 triệu tấn hay 15 triệu tấn/năm, thậm chí là cao hơn khá nhiều. Ví dụ Posco (Hàn Quốc) có một dự án tập trung 21 triệu tấn làm ngay cạnh biển. Không phải cứ sắt thép là ảnh hưởng môi trường, mà vấn đề là làm sao có công nghệ để không ảnh hưởng đến môi trường.

Vì mình không kiểm soát được nên Formosa mới gây ra ô nhiễm môi trường. Liên quan đến công nghệ sản xuất lò cao, theo tôi được biết cơ bản chỉ có Trung Quốc là còn sản xuất một số thiết bị lò cao. Không có nhiều nơi sản xuất nên Formosa đã mua thiết bị của Trung Quốc.

Vậy vấn đề đặt ra là ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HSG, sẽ mua thiết bị ở đâu? Liệu có phải sẽ mua từ Trung Quốc.

* Đến thời điểm này vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường, nhưng theo kế hoạch năm 2017 dự án sẽ khởi công. Như thế có quá nhanh và liệu có đủ kỹ lưỡng?

- Đánh giá tác động môi trường không phải là khâu quan trọng nhất mà là khâu đầu tư. Bởi đánh giá tác động môi trường chỉ là khâu đầu tiên, hoàn toàn trên lý thuyết chứ không phải là thực tế. Nên quan trọng hơn là đánh giá qua quá trình đầu tư. Lúc này mới đánh giá chính xác được khí thải, nước thải và các độc tố là bao nhiêu?

Thực tế, dự án của Formosa cũng từng đánh giá tác động môi trường khá bài bản, thuê hẳn một công ty tư vấn thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường. Với dự án 10,6 tỉ USD của HSG, người ta cũng sẵn sàng làm chỉ ba bốn tháng là có đánh giá tác động môi trường thôi.

Theo lý thuyết thì có thể tính toán được là bao nhiêu mét vuông thì thải ra nước thải bao nhiêu, khí thải và chất thải rắn thế nào? Cũng có thể vẽ ra viễn cảnh là xử lý nước thải, chất thải như thế nào, khói bụi ra sao trong bản đánh giá tác động này.

Ở Formosa không thiếu gì cả, có điều sau khi đưa vào vận hành thì không có cách nào đo đếm được. Cho đến khi có phát sinh thì Tổng cục Tài nguyên - môi trường mới lập trạm quan trắc, đấu nối với khu xử lý nước thải của Formosa.

Xin lưu ý, cái chúng ta biết ở Formosa mới chỉ là nước thôi, còn xử lý những vấn đề khác như khói bụi hiện chưa ai nói, hay chất thải rắn thế nào... Ở tất cả các nước, khâu đánh giá tác động môi trường được coi trọng nhưng không quan trọng bằng việc theo dõi trong xây dựng, bắt đầu đưa vào vận hành.

Formosa mới chỉ vận hành thử và rửa đường ống mà đã như vậy. Formosa còn khâu rất quan trọng là vận hành thì mình phải theo dõi. Dự án của HSG cũng như vậy, sẽ phải đối mặt với tất cả các 
vấn đề trên và phải theo dõi.

* Nhiều chuyên gia thép từng cảnh báo rằng nên thận trọng khi phê duyệt đầu tư vào dự án thép. Ông có tin vào khả năng đầu tư của HSG?

- Về sắt thép, tôi nói nghiêm túc rằng VN không nên làm sắt thép, theo cách đi của nhiều nước (giai đoạn công nghiệp hóa từ thế kỷ 19, 20 - PV). Bây giờ mình có thể đi tắt đón đầu, sắt thép giờ Trung Quốc và Mỹ thừa rất nhiều, có tiền hoàn toàn có thể nhập dễ dàng.

Lựa chọn sắt thép hay lựa chọn gì đó là câu chuyện của quốc gia, quan trọng nhất là mình ưu tiên sản xuất gì để tránh đi lại “vết xe” của người khác. Lựa chọn con đường người khác đã đi hàng thế kỷ qua hay đi vào công nghệ hiện đại nhất? Tôi cho rằng dù trong nước hay nước ngoài đầu tư, quan trọng nhất là định hướng phát triển sắt thép nữa hay không.

* Có ý kiến cho rằng sản xuất thép là nền tảng cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, liệu có hợp lý?

- Đây là quan niệm rất cổ hủ, bởi bây giờ phân công có tính chất quốc tế, nên những nước đi sau không nên làm, bắt chước những nước đi trước mà phải tìm cách đi tắt đón đầu và chú trọng công nghệ hiện đại. Tại sao thay vì sắt thép, không đầu tư vào những ngành viễn thông, công nghệ như Viettel đang làm?

Đâu có cần sắt thép mà họ vẫn đầu tư được ra nước ngoài và thu về cả tỉ USD. Hiện nay ta nhập 5-7 tỉ USD sắt thép/năm, nếu Formosa làm 10 triệu tấn/năm mà giải quyết tốt môi trường thì cũng đã có thể đáp ứng nhu cầu rất quan trọng rồi. Còn sắt thép bình thường thì hiện nay trong nước đã thừa 
và đã xuất khẩu.

Tôi cho rằng đối với ximăng, sắt thép, lọc dầu thì VN không nên làm nữa. Ximăng thì đã thừa rồi, xuất khẩu cũng khó; lọc dầu thì ta chỉ có 15 triệu tấn dầu thô mà công suất lên tới 45-50 triệu tấn rồi; sắt thép cũng không cần làm nhiều. Đi vào hợp kim cao cấp là tốt nhất, sử dụng công nghệ các nước tiên tiến, 1 tấn hợp kim bằng 10 tấn thép. Nếu HSG đầu tư theo hướng đó thì tôi rất ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch):

Trả giá về môi trường sẽ rất lớn

Hiện chưa thể nói có nên hay không làm khu liên hợp luyện cán thép tại Ninh Thuận, nhưng cần phải thực hiện điều mà Thủ tướng đã nói là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế.

Đồng thời, muốn phát triển cái gì cũng cần phải tính đến hệ quả của nó sau này. Chủ đầu tư thường đưa ra cam kết rất hay, nhưng khi thực hiện thì lại thường không phải là như thế.

Môi trường còn quý giá hơn là sự phát triển. Cho đến bây giờ, kể cả cá biển, nước biển miền Trung có đang phục hồi thì sự phục hồi của du lịch cũng không thể ngay lập tức mà còn lâu mới có thể phục hồi được. Sự trả giá nếu để xảy ra ô nhiễm là quá lớn. (V.V.Tuân)

Ông Hồ Nghĩa Dũng(chủ tịch Hiệp hội Thép VN):

Tìm đâu 10,6 tỉ USD để đầu tư?

Dự án của HSG quy mô lớn, chia ra nhiều giai đoạn, tới trên 10 năm. Xu hướng hiện nay là đầu tư trung tâm thép khép kín, tập trung, quy mô tương đối lớn thì mới cạnh tranh được với công nghiệp thép thế giới. Một khu công nghiệp lớn như vậy thì việc đặt ven biển cũng là cần thiết. Trên thế giới, có điều kiện thì người ta đều đặt ở ven biển vì giải quyết vấn đề giao thông, vận 
tải, nguyên liệu.

Tuy nhiên, vấn đề môi trường đang rất nóng, dù công nghệ hiện nay hoàn toàn kiểm soát được vấn đề môi trường. Giai đoạn đầu chỉ khoảng 3 triệu tấn/năm và tập trung làm thép cán thì quản lý, vận hành, đảm bảo môi trường đơn giản hơn. Nhưng giai đoạn 2 đưa lò cao, lò cốc vào thì phải đặc biệt quan tâm tới môi trường.

HSG là doanh nghiệp lớn trong nước, nhưng việc huy động vốn ở đâu, lên tới 10 tỉ USD thì cũng là ẩn số với hiệp hội. HSG làm ăn hiệu quả nhưng bên cạnh nguồn tài chính tự có, có lẽ HSG sẽ phải huy động các nguồn khác nữa, cả qua ngân hàng và bên ngoài mới đáp ứng được tổng vốn đầu tư trên.

Theo Ngọc An

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên