MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam không thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại

07-06-2019 - 06:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Việt Nam không thực hiện và không có ý định thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại, bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 6/6.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, bà Hằng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ được các cơ quan quản lý điều hành một cách đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với các thực tiễn của Việt Nam, nhằm ổn định những cân đối vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

“Có thể khẳng định Việt Nam không thực hiện và không có ý định thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại”, bà Hằng nói.

Bà cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành liên quan phối hợp trao đổi với phía Bộ Tài chính Mỹ về các chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối. Quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian qua, đặc biệt là kinh tế thương mại, đã có những tiến triển rất tích cực. Hợp tác kinh tế thương mại vừa là trọng tâm vừa là động lực trong quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

“Chúng tôi sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ trong những vấn đề phát sinh về kinh tế, thương mại, tài chính và các lĩnh vực khác”, bà Hằng nói.

Cuối tháng 5 vừa qua, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ gửi lên Quốc hội nước này nói rằng không quốc gia nào hội tụ đủ các tiêu chí để bị dán nhãn thao túng tiền tệ - một cách để hưởng lợi ích thương mại với Mỹ. Nhưng báo cáo nói rằng 9 quốc gia, gồm Trung Quốc, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam, đang nằm trong danh sách theo dõi.

Các chuyên gia cho biết việc đưa một nước vào danh sách theo dõi sẽ cho phép chính quyền Mỹ gây áp lực với họ thông qua đàm phán không chính thức.

Theo một luật ra đời năm 1988 của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ có nghĩa vụ phải báo cáo lên Quốc hội định kỳ 6 tháng rằng liệu có quốc gia nào thao túng đồng tiền của họ để có được lợi thế thương mại với Mỹ hay không. Nếu có, Mỹ sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt thương mại. Một luật ra đời năm 2016 mở rộng các tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ sử dụng để đánh giá.

Trong báo cáo gần đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ mở rộng danh sách đánh giá từ khoảng chục nước lên 21 nước, bằng cách hạ thấp ngưỡng đánh giá trong những lĩnh vực như quy mô thặng dư thương mại với Mỹ, quy mô thặng dư thương mại với thế giới và số lần quốc gia đó can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Báo cáo tiền tệ đưa ra vào tháng 10 năm ngoái đã đưa 6 quốc gia vào danh sách giám sát đặc biệt. Trong khi đưa Ấn Độ và Thụy Sĩ khỏi danh sách theo dõi lần này, 4 quốc gia khác gồm Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn bị giữ lại, và các nước Ireland, Ý, Malaysia, Singapore và Việt Nam bị bổ sung vào.

Theo Bình Giang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên