MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam là điểm đến đầu tư, hợp tác lâu dài

Đại diện các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân - Trung Quốc nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài.

Chiều 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề "Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước".

Đây là hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được WEF tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu về phục hồi kinh tế và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam.

Việt Nam là điểm đến đầu tư, hợp tác lâu dài - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Ảnh: Dương Giang.

Điểm sáng về phục hồi kinh tế của khu vực

Phát biểu chính tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ Việt Nam đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy triển khai 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Thủ tướng đề nghị WEF và các thành viên tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị hiện đại.

Đánh giá cao thành tựu phục hồi và triển vọng kinh tế Việt Nam, lãnh đạo WEF và đại diện các doanh nghiệp nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó có nhiều chính sách theo hướng gỡ khó, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ quan tâm tìm hiểu về các chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, hoàn thiện hệ thống giao vận (logistic), tiến trình triển khai dự án quy hoạch điện VIII, tình hình đẩy mạnh chuyển đổi số...

Ấn tượng về sự năng động của thế hệ trẻ Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội nghị WEF, tiếp Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng đề nghị WEF tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp thành viên WEF, giúp Việt Nam thu hút đầu tư chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, hạ tầng chiến lược.

Việt Nam là điểm đến đầu tư, hợp tác lâu dài - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF. Ảnh: Dương Giang.

Trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch WEF bày tỏ ấn tượng về kết quả phục hồi kinh tế - xã hội và duy trì ổn định vĩ mô của Việt Nam; nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ trong thúc đẩy hợp tác với Việt Nam; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đề xuất và triển khai các dự án hợp tác thực chất, phù hợp với sự quan tâm của Việt Nam và thế mạnh của WEF.

Giáo sư Klaus Schwab bày tỏ ấn tượng về sự năng động của thế hệ trẻ Việt Nam trước sự phát triển của công nghệ, cho rằng đây là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam.

Giáo sư Klaus Schwab đã trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn WEF tháng 01/2024 tại Davos. Thủ tướng Chính phủ cũng mời Giáo sư Klaus Schwab và các nhà lãnh đạo WEF sớm thăm Việt Nam, dành thời gian phát biểu và truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam về những xu thế phát triển mới của thế giới. Hai bên nhất trí sẽ thu xếp các chuyến thăm trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab. MOU là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – WEF trong giai đoạn mới, tập trung vào 06 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng không; Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Theo Văn Kiên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên