MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam là ứng viên sáng giá cho đầu tư nước ngoài từ ASEAN trong năm 2022

07-10-2022 - 15:38 PM | Doanh nghiệp

Việt Nam là ứng viên sáng giá cho đầu tư nước ngoài từ ASEAN trong năm 2022

Cần nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài từ ASEAN cũng như các quốc gia khác trong năm 2022. Chiều ngược lại, các nước ASEAN cũng luôn là những thị trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

"Với môi trường kinh doanh năng động, Việt Nam vẫn là ứng viên sáng giá cho đầu tư nước ngoài từ ASEAN trong năm 2022", ghi nhận ý kiến chuyên gia tại buổi ký kết hợp tác xây dựng Chiến lược ESG giữa Vietstar và Axcelasia mới đây.

Theo thoả thuận, hai bên sẽ thực hiện tư vấn xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng như các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tại các nước ASEAN. Qua đó giúp các doanh nghiệp nước ngoài có sự chuẩn bị tốt nhất liên quan đến thị trường cũng như các chính sách thủ tục trước khi đầu tư vào Việt Nam, ngược lại giúp doanh nghiệp Việt Nam am hiểu rõ hơn về thị trường ASEAN để từ đó hoạt động đầu tư được thành công.

Cần nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài từ ASEAN cũng như các quốc gia khác trong năm 2022. Chiều ngược lại, các nước ASEAN cũng luôn là những thị trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Báo cáo mới nhất từ HSBC cho thất, lượng FDI chảy vào khu vực ASEAN vẫn đều đặn, và phần lớn chảy vào các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu. ASEAN hiện chiếm khoảng 10% thị phần FDI của thế giới, gần như ngang bằng với Trung Quốc.

Trong đó, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tâm thế tương đối tốt hơn trong ngắn hạn. Mặc dù dữ liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu điện tử đã chậm lại, nhưng theo HSBC dòng vốn FDI đổ vào mạnh mẽ nhiều khả năng sẽ tạo bước đệm để hỗ trợ Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị.

Đơn cử, đầu năm nay, Samsung đã rót thêm 920 triệu USD đầu tư vào Việt Nam với mục đích mở rộng sản xuất, bao gồm sản xuất bảng mạch và mô-đun cảm ứng. Hay Apple cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển nhà máy sang Việt Nam, sau khi kế hoạch bị gián đoạn một phần bởi đại dịch. Cụ thể, Foxconn, một nhà cung cấp lớn của Apple, đã ký kết Biên bản ghi nhớ trị giá 300 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại tỉnh Bắc Giang….

Dù vậy, để nắm bắt được cơ hội hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rõ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phát triển bền vững ESG. Trong khi hiện tại, dưới góc nhìn của các quỹ đầu tư (cụ thể là VinCapital), rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu về ESG, họ gần như chưa quan tâm đúng mực về bảo vệ môi trường và vô tình xả rác, chất thải ra sông, ra môi trường xung quanh.

Mặt khác, người tiêu dùng lại đang cập nhật rất nhanh xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp phải hành động thật nhanh hơn nữa. Trong khi đó, "dù người tiêu dùng Việt Nam đã hiểu về phát triển bền vững, nhưng vấn đề là cộng đồng đang nghĩ đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp, chứ không phải của chính bản thân người tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để cộng đồng cùng chung tay thực hiện phát triển bền vững...", ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, nhấn mạnh tại hội thảo ESG gần đây.

Nhìn chung, phát triển bền vững đang là từ khóa quan trọng cho tất cả các doanh nghiệp với mong muốn phát triển vững mạnh và lâu dài. "ESG đóng vai trò như một đòn bẩy cho sự chuyển đổi của doanh nghiệp, nền tảng cho các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế",bà Phạm Thị Thu Hằng,Giám đốc Điều hành VietStar, bổ sung.

Với ký kết lần này kỳ vọng nâng cao năng lực xây dựng ESG của doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển bền vững sắp tới. Với các chính sách thân thiện môi truòng, sự ổn định tương đối về kinh tế và chính trị, chi phí hiệu quả và triển vọng nhu cầu tiêu dùng, Việt Nam có khả năng tiếp tục hưởng lợi từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng ở châu Á bên cạnh việc thu hút một loạt nhà đầu tư mới.

Theo Bảo An

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên