MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam lên phương án đầu tư đường sắt cao tốc, hai 'ông lớn' trong ngành 'tung' toa tàu 5 sao, quý 3/2023 báo lãi kỷ lục

04-11-2023 - 08:11 AM | Doanh nghiệp

Việt Nam lên phương án đầu tư đường sắt cao tốc, hai 'ông lớn' trong ngành 'tung' toa tàu 5 sao, quý 3/2023 báo lãi kỷ lục

Cả Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đều lãi lần lần lượt 54 tỷ đồng và 43 tỷ đồng trong quý 3/2023

9 tháng đầu năm 2023 có thể nói là quãng thời gian "bùng nổ" của các công ty đường sắt khi các doanh nghiệp này đều báo lãi lớn sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.

Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn báo lãi kỷ lục

Cụ thể,  CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) mới đây đã công bố BCTC quý 3/2023 với mức lãi cao nhất từ trước đến nay. Trong quý vừa qua, công ty này đã mang về 637 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn hàng bán giảm nhanh hơn doanh thu, qua đó lợi nhuận gộp tăng 40% lên gần 110 tỷ đồng.

Kết quả, Vận tải Đường sắt Hà Nội lãi sau thuế hơn 54 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội đạt hơn 1.895 tỷ đồng doanh thu thuần và 98 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 9% và 178% so với cùng kỳ. Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.517 tỷ đồng, lãi sau thuế dự kiến 500 triệu đồng. Sau 9 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu nhưng vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm.

Tương tự, báo cáo tài chính quý 3/2023 của CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với mức lãi sau thuế 43 tỷ đồng trong quý 3, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức lãi theo quý kỷ lục từ trước tới nay.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, Vận tải Đường sắt Sài Gòn ghi nhận gần 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 81 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 11% và 110% so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 77% kế hoạch doanh thu và đạt mức lợi nhuận gấp hơn 130 lần so với mục tiêu 600 triệu đồng của cả năm 2023.

Việt Nam lên phương án đầu tư đường sắt cao tốc, hai 'ông lớn' trong ngành 'tung' toa tàu 5 sao, quý 3/2023 báo lãi kỷ lục - Ảnh 1.

Theo lý giải từ phía hai doanh nghiệp trên, 9 tháng đầu năm, nhu cầu đi lại của khách nội địa và khách du lịch nước ngoài tăng cao, đặc biệt trong Tết Nguyên đán Quý Mão và dịp hè 2023. Do đó, doanh thu vận chuyển hành khách, hàng hóa của công ty trong 9 tháng đầu năm có bước tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Những số liệu vĩ mô cũng đã phản ánh cho điều này. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm ngành đường sắt đã vận chuyển tổng cộng 4,9 triệu lượt khách, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Còn số lượt hành khách được luân chuyển là 1,8 triệu lượt, tăng 44,1%. Mức tăng trưởng số lượng hành khách của ngành đường sắt cũng là lớn nhất trong ngành.

Việt Nam lên phương án đầu tư đường sắt cao tốc, hai 'ông lớn' trong ngành 'tung' toa tàu 5 sao, quý 3/2023 báo lãi kỷ lục - Ảnh 2.

Nâng cấp chất lượng dịch vụ là bước ngoặt

Giai đoạn 2017-2022 từng là quãng thời gian ngành đường sắt Việt Nam. Ngoài những khó khăn mang tính "truyền thống" như hệ thống kết cấu hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, đường đơn, bị cắt cụt nhiều tuyến kết nối, năng lực thông quan hạn hẹp, hệ thống phương tiện chưa được đầu tư đồng bộ… sự bất ổn định về chính trị thế giới gây lạm phát, giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến việc duy trì giá cước cạnh tranh so với các phương tiện vận tải khác.

Đặc biệt trong 3 năm 2020, 2021, 2022, ngành đường sắt Việt Nam không đạt được mục tiêu về lượng hàng, khách, doanh thu chủ yếu là do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, ngành đường sắt đang bắt đầu có những hướng chuyển mình để có thể đưa hành khách trở lại sử dụng dịch vụ. Trong một trao đổi mới đấy với báo chí của ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) gần đây đã có những giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo đó, ông Mạnh cho biết ngành đường sắt đang nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ thực hiện triển khai chính sách giá vé linh hoạt và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như food tour Hà Nội - Hải Phòng; tàu cao cấp tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn (The Vietage)… đã được khách hàng đón nhận.

Bên cạnh đó, đường sắt cũng đã đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, thông tin tín hiệu, các khu ga phục vụ cho vận tải; đẩy mạnh việc chuyển đổi số, cải tiến hệ thống bán vé; số hóa kết cấu hạ tầng...

Minh chứng cho việc này, tháng 10 vừa qua, Đường sắt Hà Nội đã chính thức khai trương đội tàu chất lượng cao SE19/SE20 giữa Hà Nội - Đà Nẵng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế về chất lượng phương tiện và dịch vụ.

Việt Nam lên phương án đầu tư đường sắt cao tốc, hai 'ông lớn' trong ngành 'tung' toa tàu 5 sao, quý 3/2023 báo lãi kỷ lục - Ảnh 3.

Hình ảnh bên trong đoàn tàu chất lượng cao.

Đây không phải là dự án đầu tư mà chỉ là việc nâng cấp, tân trang đôi tàu SE19/SE20 để tạo ra thương hiệu, nhận diện riêng trên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng như: Lựa chọn các toa xe chất lượng tốt để tân trang, sơn và dán thành vách bên trong tạo nên điểm nhấn của toa xe, sơn lại thành ngoài toa xe, thay mới chăn, ga, gối, rèm cửa sổ…

Đặc biệt, khoang giường nằm trên tàu SE19/SE20 được thiết kế sang trọng, ấm cúng. Hệ thống điều hòa được thiết kế, lắp đặt lại, có nút điều chỉnh cửa xả gió để chỉnh hướng, chỉnh to nhỏ tùy vào nhu cầu của từng hành khách.

Cùng với đó, toa xe hàng phục vụ ăn uống trên đôi tàu SE19/SE20 được thiết kế, lắp đặt lại nội thất để hành khách luôn cảm thấy thoải mái, thân thiện khi ngồi ăn uống, ngắm cảnh. Về chính sách giá vé, trước mắt, VNR vẫn giữ nguyên giá vé như hiện tại. Cụ thể, theo giá vé đầu tuần cao nhất 943.000 đồng, giá vé cuối tuần cao nhất 1.046.000 đồng. Tàu SE20 giá vé cao nhất 854.000 đồng.

Không chỉ có tham vọng cải thiện dịch vụ, trong thời gian gần đây cả ngành đường sắt cùng Bộ Giao thông Vận tải còn nuôi tham vọng xây tuyến đường sắt Bắc - Nam đầu tiên tại Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu được Chính phủ đề ra là đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đến năm 2030, phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.

Đề án đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các bộ, ngành với 2 phương án. Phương án 1, xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác 320 km/giờ, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58,71 tỷ USD. Dự án sẽ giúp người dân đi từ Hà Nội đến TP.HCM trong thời gian khoảng 5 giờ 20 phút.

Phương án 2, xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam mới, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tối đa 180 - 250 km/giờ, tàu hàng tối đa 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư khoảng 64,9 tỷ USD. Nếu chọn phương án 2, theo tính toán từ đề xuất trước đó của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hành trình Bắc - Nam từ TP.HCM ra Hà Nội sẽ mất khoảng 7-8 giờ.

Trọng Hiếu

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên