Việt Nam mua nhiều thép từ Trung Quốc bất chấp giá liên tiếp tăng
Thị trường cung cấp sắt thép chính cho các doanh nghiệp Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2016 vẫn là Trung Quốc.
- 10-09-2016Thế giới lo ngại thép giá rẻ Trung Quốc
- 01-09-2016Áp mức thuế chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 38,34%
- 31-08-2016Dự báo thị trường quặng và sắt thép quý 3: Trung Quốc vẫn là nhân tố quyết định
Theo số liệu từ Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp thép chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 59% về lượng và 56% về kim ngạch. So với cùng kỳ năm trước, thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 31% về lượng và tăng 3% về giá trị.
Thống kê sơ bộ của Bộ Công thương cũng chỉ ra lượng nhập khẩu thép của Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại, đưa tổng kim ngạch 8 tháng đầu năm lên khoảng 12,6 triệu tấn và giá trị kim ngạch đạt 5,26 tỉ USD, tăng 27,3% về lượng và tăng 2,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Kế sau Trung Quốc là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Nga đã vươn lên vị trí thứ 5 trong số các nước cung cấp thép nhập cho thị trường Việt Nam.
Đáng chú ý, 4 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga chỉ chiếm 38% về lượng và 39% về kim ngạch. Theo đó, giá sắt thép nhập khẩu chung hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ diễn biến giá nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. So với tháng 7, giá thép tháng 8 đã tăng 2,4%. Được biết, đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp của mặt hàng thép.
Hiện nay, một nửa thép toàn cầu vẫn là Trung Quốc sản xuất. Viễn cảnh này đã khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép toàn cầu gặp khó khăn khi Trung Quốc vẫn ồ ạt đưa ra thị trường thế giới một khối lượng lớn thép giá rẻ. Mỹ và châu Âu đã nhiều lần gây sức ép để Trung Quốc giảm sản lượng, thậm chí còn đe dọa áp thuế chống phá giá, nhưng quốc gia này chỉ cam kết cắt giảm 45 triệu tấn trong năm nay và hướng đến giảm 150 triệu tấn đến năm 2020.
Không dừng lại ở đó, vấn đề này tiếp tục nóng lên ở Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào ngày 7.9 vừa qua khi một nhóm gồm 9 nhà sản xuất thép lớn đề nghị các chính phủ cần có những hành động mạnh mẽ để cắt giảm dư thừa, chấm dứt trợ giá cùng các biện pháp gây rối loạn thị trường và đảm bảo một sân chơi công bằng.
Trong khi đó, theo đánh giá của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), nhu cầu xây dựng trong nước đang ở mức tốt nên sản lượng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ vẫn giữ được mức sản lượng khá cao. Tăng trưởng cao về cả bán hàng và sản xuất các sản phẩm thép trong 8 tháng đầu năm 2016 cho thấy khả năng đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về các sản phẩm thép xây của các doanh nghiệp trong nước. Trong thời gian tới, giá thép có khả năng tiếp tục được điều chỉnh.
Một thế giới