MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam nắm 2 mỏ khoáng sản lớn thứ 2 thế giới, đều là át chủ bài của thị trường hàng tỷ USD, được nhiều cường quốc nhắm tới

Việt Nam nắm 2 mỏ khoáng sản lớn thứ 2 thế giới, đều là át chủ bài của thị trường hàng tỷ USD, được nhiều cường quốc nhắm tới

Việt Nam có 2 loại khoáng sản với trữ lượng lớn thứ 2 thế giới mà nhiều nước đều rất muốn có.

Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm và bô xít ở Việt Nam có trữ lượng đứng thứ 2 thế giới.

Đất hiếm

Cụ thể, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với 44 triệu tấn.

Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu Zion Market Reseach (Ấn Độ), thị trường đất hiếm thế giới hiện nay có trị giá khoảng 8,1 tỷ USD và sẽ tăng lên đến 14,4 tỷ USD vào năm 2025.

Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 866 phê duyệt về "quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", theo đó dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.

Hiện nay, Việt Nam đã được nhiều cường quốc nhằm tới, ký kết các biên bản hơp tác phát triển đất hiếm. Vào tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký thỏa thuận hợp tác với người đồng cấp Hàn Quốc về việc hợp tác thăm dò và phát triển các chuỗi khoáng sản cốt lõi, bao gồm đất hiếm tại Việt Nam, để cung cấp chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định.

Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 22 đến 24/6. Một trong những thỏa thuận quan trọng giữa hai bên đạt được trong chuyến thăm này là biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi.

Bên cạnh đó, ông Jeremy Harrison - Bộ trưởng Bộ Thương mại và Phát triển Xuất khẩu, chính quyền tỉnh bang Saskatchewan (Canada) đã có chuyến công tác đến Việt Nam vào tháng 12/2022. Ông nhấn mạnh cơ hội hợp tác đầu tư phát triển năng lượng sạch giữa Saskatchewan và Việt Nam. Trong đó, việc hợp tác khai thác bền vững và lưu trữ nguyên tố đất hiếm được quan tâm.

Bô xít

Cùng với đó, Cục Khảo sát địa chất Mỹ cũng công bố trữ lượng bô xít của thế giới theo khảo sát năm 2022 đạt khoảng 32 tỷ tấn. Trong đó, trữ lượng bô xít ở Việt Nam đạt khoảng 5,8 tỷ tấn. Guinea là quốc gia có trữ lượng bô xít lớn nhất thế giới.

Bô xít là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Bộ Công thương, tiềm năng quặng bô xít rất lớn và có chất lượng tốt của vùng Tây Nguyên là lợi thế rất lớn của Việt Nam trong việc tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp khai thác, chế biến bô xít phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo Báo cáo Mordor Intelligence (Ấn Độ), thị trường bô xít - nhôm được đánh giá ở mức 112 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 6% trong giai đoạn dự báo 2022-2027. Hiện nay, chất lượng mỏ bô xít – nhôm tại Việt Nam được nhiều nước đánh giá cao.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch bô xít tối đa lên tới 118 triệu tấn nguyên khai/năm.

Đây được đánh giá là tin vui cho nhiều doanh nghiệp khi đã liên tục xin được đầu tư vào việc khai thác và chế biến sâu quặng bô xít – nhôm.

Một số dự án lớn đã được đề xuất điển hình như vào tháng 4/2022, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư các dự án gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin /năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm tại Đắk Nông. Tập đoàn Hoà Phát cũng đề xuất dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án Nhà máy Điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức. Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án là khoảng 4,3 tỷ USD.

Vào tháng 6/2022, Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang nghiên cứu triển khai 2 dự án đầu tư tại Đắk Nông gồm: Tổ hợp nhôm Đức Giang - Đắk Nông và Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang - Đắk Nông. Tổng mức đầu tư của dự án tổ hợp nhôm là 57.000 tỷ đồng, khoảng 2,5 tỷ USD.

Vào tháng 8/2022, THACO đã đề xuất được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp khai thác và chế biến quặng bauxite tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.

Minh Tiến

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên