MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam ngày càng hấp dẫn lao động nước ngoài

Việt Nam là nơi cung cấp nguồn cung lao động di cư quốc tế và cũng là điểm đến của nhiều lao động từ các quốc gia trên thế giới

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính hết năm 2023, có khoảng 136.800 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong đó, có hơn 10.000 người không thuộc diện cấp giấy phép lao động, gần 126.000 người thuộc diện cấp giấy phép, bao gồm 91.974 lao động được cấp mới, 15.875 người được gia hạn, trên 10.000 người được cấp lại.

Phát triển sự nghiệp

Xem Việt Nam là quê hương thứ hai, chàng trai người Hàn Quốc Yoon Kyu Hee cho biết cuộc sống ở đây quá thoải mái, bởi Việt Nam hội đủ tiềm năng, cơ hội trở thành "tổ ấm" của các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế.

Yoon Kyu Hee trong một sự kiện kết nối kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc

Yoon Kyu Hee trong một sự kiện kết nối kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc

Sinh năm 1996 nhưng Yoon Kyu Hee có hơn 20 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Anh đang là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn Tài chính Quốc Gia (NAFICO). Năm 1999, Yoon Kyu Hee theo bố mẹ sang Việt Nam nơi bố anh có một doanh nghiệp (DN) sản xuất ắc quy. Sau đó, bố mẹ về Hàn Quốc nghỉ hưu còn Yoon ở lại Việt Nam phát triển sự nghiệp của riêng mình. Anh đánh giá: "Việt Nam ngày càng trở nên thu hút với người nước ngoài tới sống và làm việc do có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo. Điều này đem đến nhiều trải nghiệm cho người nước ngoài".

Theo Yoon, cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam rất lớn. Bởi đây là quốc gia đang phát triển mạnh về kinh tế, nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Nói tiếng Việt như người bản xứ, ngoài đảm trách vị trí Phó Tổng Giám đốc NAFICO, doanh nhân 27 tuổi này còn làm cầu nối cho nhiều DN Hàn Quốc và Việt Nam, cũng như tham gia tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc kinh doanh tại Việt Nam.

Cùng tuổi với Yoon, Iryna Yang đến từ Belarus cho biết đất nước, con người, ẩm thực Việt Nam quá tuyệt vời đã khiến cô gắn bó, không muốn rời xa. Iryna kể cuối năm 2016, lần đầu tới Việt Nam để du học theo diện trao đổi sinh viên. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2019, Iryna quyết định ở lại Việt Nam lập nghiệp. 

"Khi đó, gia đình có hơi bất ngờ, lo lắng nhưng vẫn ủng hộ vì tin rằng tôi sẽ hạnh phúc và có nhiều cơ hội phát triển ở Việt Nam. Tôi từng mời gia đình sang đây du lịch và sau chuyến đi, ai cũng yêu mến Việt Nam" - Iryna vui vẻ nói. Cô gái Đông Âu này rất mê Tết Việt, nhất là bánh chưng, nem rán, giò chả, thịt đông... Ngoài công việc người mẫu, Iryna còn là một TikToker với 809.000 lượt theo dõi.

Trong năm 2023, Iryna đã đến 20 tỉnh, thành của Việt Nam để khám phá cảnh quan, văn hóa, ẩm thực, ghi lại những thước phim chia sẻ với người xem. Năm nay, Iryna đặt mục tiêu thực hiện một hành trình khám phá miền Tây sông nước, thưởng thức và chia sẻ những món ăn dân dã. Cô cho biết ngoài dựng video bằng tiếng Việt và sắp tới sẽ ra mắt video bằng cả tiếng Anh, Đức để tiếp cận được nhiều người xem hơn, qua đó giới thiệu ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Nhiều thuận lợi

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Điều phối viên quốc gia, Chương trình lao động di cư - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng quá trình toàn cầu hóa đã và đang tạo ra dòng dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là nơi cung cấp nguồn cung lao động di cư quốc tế, cũng là điểm đến của nhiều lao động từ các quốc gia trên thế giới.

Việc nới lỏng chính sách thị thực tạo điều kiện thu hút người nước ngoài đến với Việt Nam, được Chính phủ thực hiện rất tốt trong thời gian qua. Các chính sách mới như không giới hạn tỉ lệ lao động nước ngoài so với lao động Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức, DN; không yêu cầu người lao động (NLĐ) nước ngoài có trình độ chuyên môn giống với nội dung công việc sẽ làm việc tại Việt Nam; được sử dụng giấy phép lao động đã được cấp trước đó thay thế cho văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc trong cùng vị trí... 

"Việc thực thi đúng các quy định pháp luật về sử dụng NLĐ nước ngoài giúp cho tổ chức, DN minh bạch trong sử dụng nguồn nhân lực trong và ngoài nước, hạn chế những phát sinh trong quan hệ lao động đối với những công việc mà NLĐ Việt Nam đáp ứng được" - bà Thủy nói.

Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc của Navigos Group Việt Nam - người có nhiều năm làm việc tại Việt Nam, nhận định việc xây dựng môi trường việc làm đa văn hóa, một nền văn hóa DN giao thoa có sự đóng góp không nhỏ của những nhân sự người nước ngoài trong các DN Việt Nam. Đó là cơ sở quan trọng để Việt Nam lĩnh hội "phong cách lãnh đạo toàn cầu", giúp các DN Việt, DN có vốn đầu tư nước ngoài nhanh chóng hòa nhập, phát triển bền vững, cùng Việt Nam tiến lên.

Một khảo sát khác của HSBC Expat cũng cho thấy Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu được các chuyên gia nước ngoài lựa chọn làm điểm đến để phát triển sự nghiệp. Phần lớn các chuyên gia nước ngoài cho rằng họ cảm thấy tự tin về nền kinh tế Việt Nam, đồng thời an tâm về chính trị ổn định. 

Tìm kiếm trải nghiệm mới

Khảo sát của Navigos Group cho thấy khi được hỏi đâu là nơi làm việc được mong muốn nhất Đông Nam Á, có 30% ứng viên lựa chọn Việt Nam, đứng đầu khu vực. Theo đánh giá của các ứng viên, 3 điều tốt nhất khi làm việc tại Việt Nam đều liên quan đến điều kiện sống. Cụ thể, 18% cho rằng Việt Nam mang đến những "trải nghiệm mới trong công việc và cuộc sống", 17% nói có thu nhập cao hơn so với nước đang sống và chi phí cho mức sống thấp hơn, 17% cho rằng "đất nước Việt Nam có tình trạng an toàn về mặt địa lý và chính trị".


Theo Trung Nam

Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên