MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam ngỏ ý cần 5 tỷ USD cho lĩnh vực cấp bách hàng trăm tỷ USD, lập tức "ông lớn" châu Á đáp lời

Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực chiến lược trị giá hàng trăm tỷ USD trong tương lai, Việt Nam dự kiến vay 5 tỷ USD.

Vay 5 tỷ USD để đầu tư hạ tầng đường sắt

Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Kim Lập Quần, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam đang có nhu cầu lớn ở cả 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa), nhưng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm.

Việt Nam ngỏ ý cần 5 tỷ USD cho lĩnh vực cấp bách hàng trăm tỷ USD, lập tức

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Kim Lập Quần, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị AIIB tư vấn, tài trợ, hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho Việt Nam trong các dự án hạ tầng quy mô lớn, hiệu quả cao, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái như xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; 3 tuyến đường sắt phía bắc kết nối với Trung Quốc và qua Trung Quốc kết nối với châu Âu, Trung Á; các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM.

Đáp lại, Chủ tịch AIIB cho biết sẽ dành khoảng 5 tỷ USD với lãi suất ưu đãi để hợp tác với Việt Nam và nhất trí cao với những định hướng hợp tác mà Thủ tướng đã nhấn mạnh, trong đó tập trung vào các dự án lớn, thủ tục nhanh gọn và phải mang lại hiệu quả cao.

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là ngân hàng phát triển đa phương được thành lập năm 2016 với 57 quốc gia thành viên sáng lập (trong đó có Việt Nam). Đến nay số lượng thành viên của AIIB đã lên đến 109 quốc gia, chiếm 81% dân số và 65% GDP toàn cầu, 274 dự án đã được phê duyệt với tổng trị giá trên 53,5 tỷ USD cho các nước thành viên.

Hoạt động của AIIB tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu tập trung tại khu vực tư nhân, với 3 dự án (tổng trị giá 223 triệu USD) thuộc các lĩnh vực hỗ trợ ứng phó với COVID-19, phát triển năng lượng mặt trời, thủy điện, cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay AIIB bày tỏ quan tâm tài trợ một số dự án tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước…

Lĩnh vực đường sắt trị giá hàng trăm tỷ USD ở Việt Nam trong tương lai

Trong chuyến làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24-27/6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu rằng lĩnh vực đường sắt là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Lĩnh vực cấp bách này ở Việt Nam dự kiến trị giá đến hàng trăm tỷ USD.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trao đổi trong Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông thì nhu cầu vốn cho phát triển giao thông đường sắt của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn.

Việt Nam ngỏ ý cần 5 tỷ USD cho lĩnh vực cấp bách hàng trăm tỷ USD, lập tức

Việt Nam cần số vốn rất lớn để đầu tư vào hệ thống đường sắt. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Cụ thể, mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng (khoảng 188 tỷ USD), trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.

Việt Nam cũng cần nâng cấp cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; xây dựng 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600 km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.545km trị giá 70 tỷ USD, tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ dài trên 175km trị giá 8,57 tỷ USD…

Việt Nam ngỏ ý cần 5 tỷ USD cho lĩnh vực cấp bách hàng trăm tỷ USD, lập tức

Phát triển giao thông đường sắt là hướng đi trọng tâm trong tương lai của Việt Nam. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Trong tương lai, Việt Nam cũng dự kiến có 3 tuyến đường sắt phía bắc kết nối với Trung Quốc và qua Trung Quốc kết nối với châu Âu, Trung Á bao gồm:

Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Dự kiến dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng: Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Dự kiến tổng mức đầu tư lên tới con số hàng trăm tỷ đồng.

Tuyến Hạ Long - Móng Cái - Hải Phòng: Tuyến đường sắt này hứa hẹn góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dự kiến tổng mức đầu tư lên tới con số tỷ USD.

Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ thành phố Cảng Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng giáp biên giới với TP Móng Cái (Quảng Nịnh). Trong đó, TP Móng Cái sẽ là trung tâm kết nối của tuyến đường sắt nối liền Việt - Trung.

Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên