MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam nhập khẩu 70.000 tấn LNG đầu tiên

Ngày 10/7 tới đây, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) sẽ tiếp nhận chuyến tàu vận chuyển 70.000 tấn khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) về Kho cảng LNG Thị Vải. Đây cũng là chuyến LNG đầu tiên được nhập khẩu và vận chuyển về Việt Nam.

Việt Nam nhập khẩu 70.000 tấn LNG đầu tiên - Ảnh 1.

Kho cảng LNG Thị Vải, nơi sẽ đón nhận 70.000 tấn LNG nhập khẩu đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: PV GAS

Trao đổi báo chí ngày 5/7, ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV GAS cho biết theo kế hoạch, rạng sáng ngày 10/7, chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên về Việt Nam sẽ cập bến kho cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang (Indonesia) đến kho cảng LNG Thị Vải sẽ được chuyên chở trên tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp, dung tích chứa khoảng 174.000 m3).

Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Shell - nhà sản xuất và cung cấp LNG có uy tín và năng lực hàng đầu trên thế giới - là đơn vị được PV Gas lựa chọn để làm nhà cung cấp cho chuyến hàng lần này.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, PV GAS đã xây dựng kho cảng LNG Thị Vải, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là kho cảng LNG đầu tiên có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1, và nâng cấp lên 3 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2.

Công trình Kho cảng LNG Thị Vải được PV GAS đầu tư xây dựng từ những năm 2019, tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ hàng đầu và tiên tiến nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế; đảm bảo vận hành an toàn theo như Nghiên cứu Khả năng Tương thích Tàu-Bờ (Ship-Shore Compatibility Study).

Trạm xuất LNG bằng xe bồn cũng sẽ sớm hoàn thành cùng thời điểm chạy thử Kho chứa LNG Thị Vải. Các dự án thành phần khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, đều đã đến mốc hoàn thành như Dự án đường ống dẫn khí LNG Thị Vải-Phú Mỹ, Dự án Trạm giảm áp Thị Vải...

Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ như Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, các khách hàng công nghiệp, cũng như bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2023.

Theo ông Phạm Văn Phong, PV GAS là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG "Việc nhập khẩu LNG sẽ củng cố vị thế chủ đạo của PV GAS trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang điện khí tại Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của PV GAS trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng", ông Phong nói, đồng thời cho biết trong thời gian tới, LNG sẽ trở thành một trong những sản phẩm chủ đạo và là động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của PV GAS. Mục tiêu của PV GAS là trở thành nhà cung cấp LNG số 1 tại thị trường Việt Nam, bao gồm dịch vụ quản lý, kinh doanh và khai thác hạ tầng LNG. Đại diện PV GAS cho biết sẽ đầu tư 195.000 tỷ đồng từ đây đến năm 2030 để hiện thực hoá mục tiêu.

"PV GAS sẽ bám sát Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc kinh doanh LNG. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan ban ngành trung ương có cơ chế, chính sách hỗ trợ PV GAS phát triển và kinh doanh LNG", đại diện PV GAS cho hay.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, PV GAS ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 45.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 6.100 tỷ đồng. Công ty nộp ngân sách hơn 3.100 tỷ đồng trong giai đoạn này. PV GAS cũng đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt gần 89.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 10.400 tỷ đồng.

Theo Liên Thượng

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên