MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao kìm giữ tốc độ tăng CPI

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm.

3 nguyên nhân khiến lạm phát 6 tháng đầu năm giảm

Theo Cục Quản lý giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, đây là mức tăng CPI bình quân 6 tháng so với cùng kỳ năm trước thấp hơn của các năm 2014, 2017 và 2020, nhưng cao hơn hoặc bằng so với của các năm còn lại trong giai đoạn 10 năm 2014-2023; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2022 (cao nhất trong giai đoạn 2014 - 2023).

Phân tích nguyên nhân khiến lạm phát 6 tháng đầu năm giảm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, có 3 nguyên nhân chính, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu).

Tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao kìm giữ tốc độ tăng CPI - Ảnh 1.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh họa: KT)

Bên cạnh đó, tăng trưởng cung tiền thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19. Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt, là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các NHTM hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh.

“Nguyên nhân thứ ba khiến lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao. Theo công bố của NHNN, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu”, TS. Nguyễn Đức Độ chỉ rõ.

Ông Độ cho rằng, các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu nêu trên không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm.

“Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%”, TS. Nguyễn Đức Độ nói.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2023 dưới 4,5% hoàn toàn khả thi

Khẳng định mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2023 dưới 4,5%, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023.

Kịch bản 1, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật  liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục  hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương  mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,3% - 7,0% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3% - 3,5%.

Tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao kìm giữ tốc độ tăng CPI - Ảnh 2.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Kịch bản 2, nếu giá dầu thô, nguyên vật liệu giao động ở mức như hiện nay, cơ hội chống  lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo từ đầu  năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh  nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định  thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế  giới, tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, giải ngân đầu tư công đạt mức cao, tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt mức  6,7% - 7,3% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,5% - 3,8%.

Cũng đưa ra mức dự báo khả năng CPI cả năm cao nhất sẽ ở mức 3,8 - 4%, song theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, để thực hiện mục tiêu CPI cả năm, trước hết, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần thực hiện nhanh, dễ tiếp cận trong những tháng cuối năm. Phục vụ các chính sách đúng đối tượng thụ hưởng. Thực hiện kích  cầu tiêu dùng tăng sức mua xã hội bằng cách giảm thuế VAT 2%, nếu được có thể giảm thêm 3% nữa cho hết năm 2024. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất lao động, đưa công nghệ vào sản xuất hạ giá thành sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng nội địa với các mặt hàng thiết yếu cần kiểm soát chặt chẽ giá cả một cách hợp  lý.

“Cần tăng cường việc kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo  vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng  dầu, than, điện… cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến  không có lợi cho thị trường và giá cả chung. Cần tiến tới không điều hành giá xăng dầu, giá điện theo dạng bao cấp, các đơn vị phải tự hạch toán kinh doanh lời ăn lỗ chịu, đưa xăng dầu về một Bộ Công Thương quản lý”, ông Vũ Vinh Phú đề nghị.

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

“Tăng trưởng GDP quý II năm 2023 đã tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng thấp trong nhiều năm. Do vậy, rất cần thúc đẩy mức tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp ổn định tâm lý, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý””, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân.

Theo Diệp Diệp

vov.vn

Trở lên trên