Gấp rút đầu tư phát triển logistics
Theo đề án đã được phê duyệt, TP HCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics quy mô hơn 750 ha.
- 02-07-2023Chi phí logistics đang “ăn mòn” lợi nhuận từ nông sản xuất khẩu
- 28-06-2023Việt Nam đăng cai Hội nghị logistics quốc tế vào giữa năm 2023, có hàng trăm doanh nghiệp góp mặt
- 20-06-2023Ưu tiên phát triển hệ thống logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không tại miền Trung
Lĩnh vực logistics TP HCM cần được tập trung và phát huy được thế mạnh, đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp thành phố nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế.
Thành lập 8 trung tâm logistics
Tại hội thảo "Nâng cao năng lực hệ thống logistics và cảng biển TP HCM hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng", do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) cùng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại và Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam tổ chức ngày 4-7, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết logistics được xác định tác động quan trọng đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế.
Thành phố phê duyệt đề án "Phát triển ngành logistics TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với trọng tâm phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI. Theo đó, ngành logistics được kỳ vọng trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố.
TP HCM kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỉ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10%-15%.
Chi phí logistics quá cao đang ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước. Trong ảnh: Cảng Cát Lái (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo đề án đã được phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics quy mô hơn 750 ha. Ngoài ra, các dự án có chức năng "tương tự trung tâm logistics" như kho lạnh ở KCN Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các DN triển khai xây dựng; với kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, vốn, năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành của nhà đầu tư... "TP HCM sẽ bổ sung 8 trung tâm logistics vào Đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới" - ông Nguyễn Tuấn nói.
Cần có cơ quan đầu não để chủ trì triển khai
Nhiều ý kiến chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng năm 2023, ngành logistics phải đối mặt với những hệ lụy do ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy... tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics. Hiện lượng hàng thông qua các cảng biển giảm hơn 20%, gây ảnh hưởng lớn cho ngành logistics.
Trong bối cảnh đó, việc chậm đầu tư hạ tầng logistics tương xứng với nhu cầu phát triển của DN, quy mô thị trường đang làm chậm sự phát triển của nền kinh tế nói chung và TP HCM nói riêng. Chi phí logistics quá cao đang ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của các DN xuất nhập khẩu trong nước.
Ông Trương Nguyên Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1, dẫn chi phí vận chuyển container hàng từ TP HCM ra Hà Nội cao gấp 3 lần so với chi phí đi châu Âu, Mỹ. "Vận chuyển bằng đường bộ trong nước đắt gấp 3-4 lần đường biển. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển 1 container hàng đi đường biển từ Nam ra Bắc khoảng 8-9 triệu đồng, nếu đi bằng đường bộ mất đến 30 triệu đồng" - ông Linh nêu dẫn chứng. Từ thực tế này, các DN logistics đang đầu tư phát triển các đội tàu vận tải nội địa để giúp DN tiết kiệm chi phí.
Trên cơ sở phân tích các yếu kém hiện hữu trong phát triển logistics, các chuyên gia cho rằng cần thiết tăng cường đầu tư phát triển vận chuyển đường thủy nội địa và đường biển. Theo đó, Chính phủ ngoài việc xác định vị trí xây dựng cảng biển phù hợp thì phải hợp nhất quản lý các cảng vụ các tỉnh, thành; xây dựng các bộ phận chuyên môn đủ năng lực điều phối các hãng tàu, các công ty môi giới tàu biển, các công ty hoa tiêu.
"TP HCM cần có cơ quan đầu não để chủ trì triển khai các kế hoạch chuyển đổi số và phát triển logistics. Cộng đồng DN đang chờ 8 trung tâm logistics triển khai, đưa vào hoạt động để hình thành khu vực tập trung, chuyên môn hóa… nhưng tiến độ thực hiện quá chậm" - đại diện Hiệp hội Logistics TP HCM nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nguồn nhân lực Tân Cảng - STC, cho rằng TP HCM cần đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông đường bộ kết nối với các cảng biển và các tỉnh, thành lân cận.
Cùng với đó, cần nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để DN nhanh tiếp cận môi trường đầu tư. Có chính sách hỗ trợ vốn để các DN logistics chuyển đổi năng lực, đáp ứng chuẩn yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Đa dạng các giải pháp "xanh hóa"
Ngành logistics buộc phải đa dạng các giải pháp "xanh hóa" trên các phương diện như vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh... để đáp ứng yêu cầu "xanh hóa" chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa. PGS-TS Nguyễn Hoàng Phương, Học viện Chính trị khu vực 2 - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đề xuất một số giải pháp để phát triển logistics xanh và bền vững, gồm: đẩy mạnh sử dụng phương tiện và xây dựng hạ tầng vận chuyển xanh; tăng cường quản lý và tái chế chất thải, đào tạo, hợp tác công - tư...
Người lao động