Việt Nam nhập khẩu những mặt hàng tỷ USD nào từ Trung Quốc?
Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam trong đó, nhóm hàng điện thoại, linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đứng đầu bảng giá trị nhập khẩu.
Thống kê của Tổng cục Hải Quan cho hay, nửa đầu năm nay, trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ 10 thị trường lớn nhất đạt 101 tỷ USD, chiếm gần 97% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Hầu hết 10 thị trường chủ lực này đều đạt tốc độ tăng trưởng dương (trừ Hàn Quốc và Achentina).
Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường cung ứng nhiều sản phẩm cho Việt Nam, chỉ tính riêng tháng 6/2018, trị giá nhập khẩu từ thị trường nước láng giềng là 30 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm tỷ trọng 28,9% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Thống kê sơ bộ nửa đầu năm 2016, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 3,63 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này áp đảo các thị trường vốn nổi tiếng với mặt hàng điện tử như Hàn Quốc (chỉ đạt 2 tỷ USD, giảm tới 12,7%).
Trong bức tranh chung về tình hình xuất nhập khẩu, thì nhóm hàng này cũng đứng đầu trong cơ cấu 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất 6 tháng/2018 theo loại hình doanh nghiệp. Chỉ tính riêng đến hết tháng 6/2018, trị giá xuất khẩu của điện thoại các loại và linh kiện đạt 22,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng thời gian năm trước.
Trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường: EU (28 nước): 6,79 tỷ USD, tăng 17,8%; Hoa Kỳ: 2,3 tỷ USD, tăng 12,3%; Hàn Quốc: 2,24 tỷ USD, tăng 31%; Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất: 2,17 tỷ USD, tăng 12,9%.
Đối với nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, Việt Nam cũng đã nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, đạt 5,5 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng thời gian năm trước, trong khi đó, thị trường Hàn Quốc lại cho thấy con số suy giảm tới 41,3%.
Với 3,3 tỷ USD, tăng 1,9%, Trung Quốc cũng là một trong hai thị trường xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất sang Việt Nam (chỉ đứng sau Hàn Quốc).
Báo cáo của Tổng cục Hải Quan cho thấy, Việt Nam nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện chủ yếu từ Trung Quốc với trị giá 3,63 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, việc cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may, giày da và các sản phẩm từ chất dẻo cũng chủ yếu xuất phát từ quốc gia láng giềng.
Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng dệt may, da, dày chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 1,06 tỷ USD, tăng 3,1%, trong khi nguồn hàng này từ Đài Loan cho thấy con số giảm mạnh 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ở mặt hàng sản phẩm từ chất dẻo nhập khẩu, giá trị nhập khẩu trong 2 quý đầu năm là 990 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2017.
Duy chỉ ở mặt hàng xăng dầu, Trung Quốc không phải là thị trường cung ứng chủ lực cho Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm, xăng dầu chủ yếu có xuất xứ từ Malaysia. 5 tháng đầu tiên của năm, lượng nhập khẩu là 1,74 triệu tấn, trị giá nhập khẩu 1,05 tỷ USD. Đến tháng 6/2018, sản lượng tăng vọt với 2,01 triệu tấn, trị giá 1,24 tỷ USD, tăng 63,5% về lượng và tăng 118,8% về trị giá.
Đứng ở vị trí thứ hai là Hàn Quốc, với 1,84 triệu tấn, trị giá 1,32 tỷ USD, tăng 24,7% về lượng và tăng 44,7% về trị giá.
Nhịp sống kinh tế