"Việt Nam ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?", câu trả lời và lời khuyên đặc biệt từ World Bank
"Các bạn đã làm đúng trong giai đoạn đầu của chuỗi toàn cầu. Sang đến giai đoạn này, tin tốt là Việt Nam vẫn tham gia vào công đoạn sau đạt 25%, qua được ngưỡng 20%", TS. Pinelopi Goldberd, Phó Chủ tịch cao cấp, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank nói.
- 19-09-2019Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chưa nói đến hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng vượt "bẫy thu nhập trung bình" đã là thách thức không nhỏ!
- 18-09-2019Đây là những con số đáng lưu ý cho thấy kinh tế Việt Nam "cứng nhắc", chưa tạo điều kiện cho các ngành nghề thời 4.0 phát triển
- 18-09-2019TS. Vũ Thành Tự Anh: Tư duy của dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi là kiểu nhà nước phụ mẫu
- 18-09-2019Bà Phạm Chi Lan: Chúng ta chỉ sẵn sàng tự do hoá cho người ngoài vì tư duy tận dụng vốn từ ngoài quá nặng nề
Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cả công đoạn trước và sau, bà Pinelopi nhận định. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang muốn vươn lên trong chuỗi này, trở thành một nước có thu nhập cao hơn.
Khác với các giao dịch thương mại khác, doanh nghiệp trong chuỗi toàn cầu có những nhiệm vụ cụ thể, với chuyên môn cao hơn. Các giao dịch cũng diễn ra dài hạn nên đòi hỏi phải chuyển giao công nghệ, chuyên môn hoá nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn khác của các đối tác cấp cao nằm trong chuỗi.
Sự tham gia của một quốc gia trong chuỗi giá trị này được xác định dựa trên các nền tảng như: vị trí địa lý, nguồn vốn, số lượng lao động, quy mô thị trường và chất lượng thể chế. Trong số những nền tảng này, vốn là thứ hầu hết các quốc gia đang thiếu, nhưng lại là yếu tố dễ bù đắp được, nhờ vào lượng vốn FDI.
Việc tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu được World Bank khẳng định sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng đất nước, phúc lợi đời sống và môi trường quốc gia.
"Việt Nam hiện nay là một quốc gia tích cực tham gia vào chuỗi với hàng dệt may", bà Pinelopi nói. Tuy nhiên, đại diện World Bank cho rằng Việt Nam tham gia ở công nghiệp chế tác với mức độ hạn chế. Do vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để vươn cao hơn trong chuỗi này. Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng không có một công thức chung cho các quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị, vì nó phụ thuộc vào sự phát triển, giai đoạn, thách thức của từ nước.
Bà Pinelopi cho rằng ở giai đoạn hiện tại, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải là nguồn vốn con người. "Các bạn đã làm đúng trong giai đoạn đầu của chuỗi toàn cầu. Sang đến giai đoạn này, tin tốt là Việt Nam vẫn tham gia vào công đoạn sau đạt 25%, qua được ngưỡng 20%. Tuy nhiên, lực lượng phải được đầu tư nhiều hơn, nghĩa là cần nhiều nguồn lực đổ vào giáo dục". Điều này hàm nghĩa thứ quan trọng nhất cần được tập trung để Việt Nam vươn lên trong chuỗi là con người.
Đại diện World Bank cũng cho rằng không nên quá quan ngại về làn sóng công nghệ sẽ thay thế nhân công, dịch chuyển việc làm về những nước tiên tiến. Hiện không có nhiều bằng chứng chứng minh việc này. Thay vào đó, công nghệ được xem là thúc đẩy thương mại, giảm chi phí và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.
Đối với chiến tranh thương mại, bà Pinelopi cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động đến các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, về ngắn hạn, Việt Nam là nước được hưởng lợi ở ngành dịch vụ và công nghiệp khi xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm.
"Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều sang Mỹ rồi", bà nói và dẫn một số mặt hàng như đồ bọc da, túi du lịch... "Trong dài hạn thì chưa rõ ràng, nó cũng sẽ bị ảnh hưởng đến đầu tư nếu căng thẳng leo thang".
Do vậy, bà cho rằng các nước cần mở rộng trong thương mại, tránh bị cám dỗ và tham gia vào bảo hộ. "Những quốc gia vươn lên trong chuỗi toàn cầu là những nước có tham gia nhiều hiệp định thương mại", bà khẳng định.