MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sắp có thị trường phái sinh trái phiếu?

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, năm 2017 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020. Trong đó, trên thị trường thứ cấp, đưa thị trường phái sinh trái phiếu đi vào hoạt động trong quý 1/2017.

Thông tin trên đưa ra tại Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) vừa được tổ chức.

Đại diện lãnh đạo Vụ Tài chính Ngân hàng – Bộ Tài chính đánh giá, thị trường TPCP năm 2016 có khối lượng phát hành đạt mức cao nhất từ trước đến nay, kỳ hạn phát hành được cải thiện rõ rệt, lãi suất phát hành có xu hướng giảm, công tác tái cơ cấu danh mục nợ TPCP được triển khai có hiệu quả và cơ sở nhà đầu tư cải thiện tích cực.

Lãnh đạo Vụ Tài chính Ngân hàng cũng cho biết, mục tiêu huy động vốn của năm 2017 dự kiến là 250,000 tỷ đồng TPCP, 34,395 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, 8.000-10.000 tỷ đồng trái phiếu CQĐP.

Đặc biệt, sang năm 2017, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020. Trong đó, về các giải pháp điều hành thị trường, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải tăng cường hơn nữa.

Theo đó, trên thị trường sơ cấp, sẽ thí điểm phát hành TPCP có lãi suất thả nổi từ quý 2, tiếp tục phát hành TPCP kỳ hạn dài 20, 30 năm. Trên thị trường thứ cấp, đưa thị trường phái sinh trái phiếu đi vào hoạt động trong quý 1/2017. Về thanh toán, thực hiện cơ chế chuyển chức năng thanh toán TPCP sang NHNN trong quý 1/2017. Về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành TPDN để củng cố việc công bố thông tin trên thị trường TPDN.

Trong năm 2017, Kho bạc Nhà nước cũng sẽ phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu (từ dưới 1 năm đến 30 năm).

Theo thống kê từ Kho bạc Nhà nước trong năm 2016, thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp đã tăng trưởng gấp hơn 1,4 lần (so với năm 2015), với tổng khối lượng phát hành của đạt 281.750 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, dư nợ trái phiếu Chính phủ đã đạt khoảng 26% GDP.

Về cơ cấu nhà đầu tư, tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 8,35% (năm 2015) lên 12,38% (năm 2016), bên cạnh đó các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty tài chính cũng tăng lên mức 20,13%, còn lại tỷ lệ sở hữu của khối các ngân hàng thương mại là 51,7%.

Theo Linh Nga

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên