MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ thành “cứ điểm” toàn cầu của Nike?

Việt Nam sẽ thành “cứ điểm” toàn cầu của Nike?

Với việc xuất xưởng hơn một nửa số giày cho “gã khổng lồ” đồ thể thao của Mỹ, không quá khi nói Việt Nam đang dần trở thành “cứ điểm” toàn cầu của Nike.

“Mỗi năm, Nike hiện đang sản xuất khoảng 600 triệu đôi giày, trong đó có khoảng 300 triệu đôi giày đang được sản xuất tại Việt Nam, cùng với đó là 50% nguyên liệu cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Nike cũng đến từ Việt Nam”, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nike, Andy Campion tiết lộ tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm tới Việt Nam mới đây.

Việt Nam sẽ thành “cứ điểm” toàn cầu của Nike? - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi tiếp ông Andy Campion, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nike đang có chuyến thăm Việt Nam. Ảnh VOV.

Trên thực tế, Nike được biết đến như là một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, phát triển, sản xuất, quảng bá cũng như kinh doanh các mặt hàng giày dép, quần áo, phụ kiện, trang thiết bị và dịch vụ liên quan đến thể thao. Công ty là nhà cung cấp giày thể thao và quần áo lớn nhất trên thế giới. Năm 2017, Nike trở thành thương hiệu giá trị nhất hành tinh trong ngành kinh doanh hàng thể thao.

Để có sự thành công này, các sản phẩm mang thương hiệu Nike được cung cấp bởi 191 nhà máy sản xuất đặt tại 14 quốc gia trên toàn cầu. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm giày dép của Nike được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, thông qua hơn 15 nhà sản xuất hợp đồng độc lập. Trước năm 2010, Trung Quốc là nhà sản xuất giày lớn nhất của Nike, nhưng sau đó đã bị thay thế bởi Việt Nam.

Tính đến tháng 10 năm 2022, Nike có 152 nhà sản xuất, cung ứng đặt nhà máy tại Việt Nam. Trong đó, có 116 nhà máy sản xuất thành phẩm và 36 nhà máy nguyên vật liệu. Cơ cấu tập trung vào ba sản phẩm chính: hàng may mặc, trang thiết bị, giày dép. Các nhà máy này có tổng cộng 526.890 lao động. Năm tài chính gần nhất kết thúc vào ngày 31/5/2022, doanh thu của Nike đạt hơn 46,7 tỷ USD.

Tương lai tiếp tục là Việt Nam?

Các sản phẩm của Nike được sản xuất tại 36 quốc gia khác nhau. Mặc dù họ không liệt kê nơi các sản phẩm của mình được sản xuất trong phần mô tả sản phẩm trên trang web. Tuy nhiên, Nike có cung cấp bản đồ sản xuất, trong đó chủ yếu là ở Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam sẽ thành “cứ điểm” toàn cầu của Nike? - Ảnh 2.

Nike hiện có 152 nhà sản xuất, cung ứng đặt nhà máy tại Việt Nam.

Đầu năm nay, hãng tin CNBC dẫn báo cáo tài chính của Nike cho biết, năm 2021, sản lượng giày của Việt Nam sản xuất cho Nike chiếm 51%, trong khi tỷ trọng này tại Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 21%. Nên nhớ, Trung Quốc đã từng chiếm tỷ lệ 35% sản lượng giày của Nike vào năm 2006.

Trên thực tế, Nike không phải là đại diện duy nhất chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngay cả đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ, Adidas, cũng đang đi theo hướng tương tự, với 40% giày dép được sản xuất tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo một báo cáo của ResearchAndMarkets, chuyên trang cung cấp nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày dép các loại sang hàng trăm quốc gia trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp sản xuất giày dép, tập trung chủ yếu ở khu vực ven TP.HCM.

Việt Nam sẽ thành “cứ điểm” toàn cầu của Nike? - Ảnh 3.

Tương lai, Việt Nam vẫn sẽ là cứ điểm toàn cầu của Nike.

Theo phân tích của các chuyên gia ResearchAndMarkets, hai thương hiệu khổng lồ trong ngành giày dép toàn cầu là Nike và Adidas đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất chính. Một phần chuỗi giày dép toàn cầu đang dần dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam do chi phí thấp hơn.

Bên cạnh đó, một cơ sở quan trọng của sự dịch chuyển này là do Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại có lợi cho xuất khẩu với châu Âu và Mỹ. Chẳng hạn, trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU chiếm khoảng 40%. Trong khi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã hỗ trợ xuất khẩu giày dép Việt Nam sang Canada và Mexico tăng vọt.

Tuy nhiên, theo các các chuyên gia ResearchAndMarkets, mặc dù Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định với các nước phát triển có lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu, nhưng sức mạnh của các doanh nghiệp da giày Việt Nam còn yếu và thị phần chủ yếu của ngành da giày Việt Nam đang bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh.

Theo phân tích, sản xuất và xuất khẩu giày dép của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2031. Đối với các công ty liên quan đến chuỗi ngành giày dép quốc tế, sẽ có thêm nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam trong những năm tới.

Theo Nguyễn Chuẩn

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên