MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới

26-07-2016 - 22:04 PM | Thị trường

Sản lượng thức ăn chăn nuôi trong nước hiện không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhu cầu thịt lợn tăng nhanh kéo theo nhu cầu nhập khẩu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.

Nhiều công ty nước ngoài bao gồm Cargill và một số doanh nghiệp lớn trong nước như Hoà Phát đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với hy vọng lợi nhuận tăng trưởng tỷ lệ thuận với lượng tiêu dùng thịt.

Theo Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Trong 7 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nhu cầu thịt lợn lớn nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, sản lượng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, nhập khẩu đậu tương của Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ năm 2012. Do sản lượng thế giới trong những năm qua không biến động giúp ổn định giá cả, cùng với thu nhập bình quân tăng lên khiến người tiêu dùng trong nước chi nhiều tiền hơn vào các sản phẩm thịt và protein.

Theo ông Trần Tuấn Dương, tổng giám đốc Hoà Phát “mặc dù ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi không mang lại lợi nhuận cao và cạnh tranh khốc liệt, nhưng thị trường lớn và nhiều tiềm năng.” Hoà Phát dự định sẽ mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ hai trong năm tới.

Hiện Trung Quốc đang đứng đầu về tiêu thụ thịt lợn nhưng vị trị này có thể sớm bị thay thế bởi Việt Nam. OECD ước tính đến năm 2023, lương tiêu thụ trên đầu người ở Việt Nam sẽ ở mức 33,9 kg so với mức 22,9 kg hiện tại trong khi dự báo của Trung Quốc chỉ ở mức 33,2 kg. Thu nhập bình quân của người Việt đã tăng 42% trong 5 năm qua lên 2.173,65 USD và được dự báo sẽ tăng 43% lên 3.105,41 USD vào năm 2021 sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng lên cao.

Tính đến tháng 6 năm nay, sản lượng chăn nuôi trong nước đạt 28,3 triệu con lợn tăng 3,9% so với một năm trước và vẫn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là sản lượng ngô và đầu tương không đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi, phần nào do chi phí sản xuất cũng như đất trồng không phù hợp.

Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70% thành phần sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhập khẩu ngô năm ngoái chạm mức kỷ lục 7,55 triệu tấn trong khi sản lượng trong nước chỉ tăng 2,8% lên 5,28 triệu tấn. Nhập khẩu đậu tương cũng sẽ có khả năng chạm đỉnh 5,2 triệu tấn vào năm 2017 so với 2,28 triệu tấn vào năm 2012.

Với nhiều nhà máy đang được xây dựng, có khả năng Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm nhiều đậu tương chế biến trong năm tới với 1,75 triệu tấn. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi sẽ tăng hơn 10% mỗi năm đồng nghĩa với việc cần có hơn 20 triệu tấn thức ăn gia súc vào năm 2018, ông Dương nói thêm.

Đến năm 2022, giá trị thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ đạt 10,55 tỷ USD, theo nghiên cứu của Grand View. Như vậy con số này cao hơn 50% so với mức 7 tỷ USD hiện tại, theo ước tính của Masan.

Do tiềm năng lớn nên đây là ngành sản xuất hấp dẫn trong những năm vừa qua. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng đầu tư trong đó Cargill mở cửa nhà máy thứ 11 tại Việt Nam và sẽ hoàn thành xây dựng một nhà máy khác vào cuối năm 2017. Masan mua lại hai thương hiệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp là Pronco và Anco. Dabaco cũng bắt đầu xây dựng nhà máy có công suất 200 nghìn tấn/năm và có kế hoạch xây hai nhà máy khác với công suất 150 nghìn tấn/năm với mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn/năm vào năm 2019.

PV

Người đồng hành

Trở lên trên