Việt Nam sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á?
Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á...
- 17-03-2021Việt Nam đứng thứ 21 thế giới về các vụ tấn công, lừa đảo qua mạng
- 17-03-2021Đề xuất chi 6.000 tỷ đồng đào tạo lao động thất nghiệp: Mừng và lo
- 17-03-20214 chính sách tiền lương mới sắp có hiệu lực
Đây là kết quả ghi nhận được từ bảng xếp hạng do Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu Startup Blink đánh giá dựa trên danh sách 100 quốc gia và 1.000 thành phố khu vực Đông Nam Á.
Trong khu vực ASEAN, theo báo cáo của Quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam hiện đã vươn lên đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2020 chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, tăng từ mức 5% của năm 2018. Cụ thể, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam đạt 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư đạt 56 thương vụ. Trong đó, có 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị. Các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư, bao gồm 12 thương vụ công nghệ tài chính tổng cộng 61,2 triệu USD; 8 thương vụ thương mại điện tử, tổng cộng 143,85 triệu USD; 6 thương vụ quản trị nguồn nhân lực 36,88 triệu USD.
Thủ đô Hà Nội lọt vào top 200, tăng 33 bậc lên vị trí 196, trong khi thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí 225. Việt Nam dự kiến sẽ có ít nhất 10 "kỳ lân" vào năm 2030, và nếu mục tiêu này đạt được, Việt Nam có thể tăng nhanh thứ hạng.
THU HÚT CÁC NGUỒN LỰC CHO KHỞI NGHIỆP
Hàng trăm tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp đang tham gia xây dựng hệ sinh thái trong nước, từ khu vực công, tư và đối tác nước ngoài. Hiện trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, dưới "bệ đỡ" của hệ sinh thái khởi nghiệp đang hoàn thiện từng ngày. Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của startup kỳ lân thứ hai, là Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPAY được định giá hơn 1 tỷ USD và khoảng 10 startup có định giá trên 100 triệu USD.
Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025" theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 tiếp tục từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững và phát triển. Đến nay, đã có 53 địa phương ban hành kế hoạch triển khai đề án, tuyển chọn được 58 đơn vị chủ trì và 44 đơn vị phối hợp có năng lực, kinh nghiệm, triển khai 82 nhiệm vụ của đề án trên khắp cả nước.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển theo chiều sâu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844.
Theo đó, bổ sung mục tiêu của đề án như xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo vận hành thành công các trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế. Đồng thời, phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại thành phố Hà Nội, Tp.Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh cùng với các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn lực quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, hợp tác với chuyên gia, tổ chức quốc tế trong đào tạo, huấn luyện, tư vấn chuyển giao công nghệ.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ đánh giá: Quyết định 188/QĐ-TTg mới ban hành đã điều chỉnh, mở rộng Đề án 844, tập trung vào các giải pháp thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế, nguồn lực từ các tập đoàn, từ chuyên gia và các trường đại học để tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó, khơi thông nguồn lực, tăng tốc phát triển các startup và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
HƯỚNG ĐẾN VỊ TRÍ DẪN ĐẦU VỀ KHỞI NGHIỆP
Với vai trò đầu tàu kinh tế cùng chủ trương phát triển kinh tế tri thức, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đầu năm nay vừa ban hành Đề án "Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025", với mục tiêu phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đề án đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025, bao gồm hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3.000 doanh nghiệp; ươm tạo, phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.
Đề án của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu "Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố ngang tầm khu vực. Từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp". Đồng thời, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45-50%. Từ đó, tạo động lực mạnh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Để đạt mục tiêu trên, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề ra 7 nhóm nhiệm vụ chính, gồm phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
TS. Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng "trong những năm qua, startup triển khai rất nhiều các ứng dụng về ví thanh toán điện tử, gọi xe, giao hàng nhanh. Tuy nhiên, phần lớn là chạy theo trào lưu, xu hướng của nước ngoài, chưa chú trọng đến khía cạnh thiết thực phục vụ xã hội Việt Nam". Vì vậy, ông Dũng đề nghị các cơ sở ươm tạo cần đẩy mạnh hỗ trợ cho startup phát triển những ứng dụng hướng đến lợi ích xã hội theo định hướng của Thành phố.
Cùng hướng đến mục tiêu trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu trong khu vực, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu châu Á vào năm 2045. Dự thảo Chương trình số 07-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025" nêu rõ mục tiêu Chương trình số 07 nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Trong đó, nhấn mạnh xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
"Một số chỉ tiêu đưa ra năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7-7,5%. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% trên tổng sản phẩm nông nghiệp. Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP", dự thảo chỉ rõ.
Thành phố phấn đấu là đầu tàu cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025: "Phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài.
Đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 5 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới. Tầm nhìn đến năm 2030 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo VnEconomy