Việt Nam thiếu nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, việc Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ có chiến lược hợp tác với Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn là cơ hội tốt để chúng ta phát triển ngành công nghiệp này.
- 10-10-2023Tính đến hiện tại, những 'con hổ' châu Á đã đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam?
- 10-10-2023Đề xuất 5 dự án BOT chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, 3 dự án bổ sung vốn Nhà nước
- 10-10-2023Thái Bình: 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,6%
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất Việt Nam đang gặp phải là nguồn nhân lực. Chúng ta hiện có khoảng 5.000 kỹ sư trong lĩnh vực này trong khi ngành đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chất lượng rất cao. Ông Hùng cho biết, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu của ngành.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam, đầu tư các phòng lab, trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo tại các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu bán dẫn.
Việt Nam cũng thực hiện thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, nhất là với nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, sẽ triển khai các chương trình tìm kiếm chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương với các nước có thế mạnh về KH&CN trong lĩnh vực bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể làm chủ, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.
Việt Nam cũng sẽ ưu tiên sản phẩm bán dẫn trong Chương trình sản phẩm công nghệ quốc gia. “Chúng tôi hy vọng, các doanh nghiệp có thể mạnh như Viettel, CMC, Phenikaa và các trường, viện nghiên cứu sẽ phối hợp chặt chẽ khi tham gia chương trình. Từ đó, có thể tạo ra được hệ sinh thái trong ngành bán dẫn, từ khâu thiết kế, chế tạo chip bán dẫn”, ông Hùng nói.
Một giải pháp nữa, theo ông Nguyễn Phú Hùng, Bộ KH&CN sẽ xây dựng chính sách về đầu tư, hỗ trợ các trang thiết bị đo lượng kiểm định các sản phẩm của chip bán dẫn theo đúng chuẩn ISO 17025, góp phần kiểm tra được chất lượng và giảm giá thành khi không phải gửi sản phẩm ra nước ngoài kiểm định. “Chúng tôi tin rằng, với các giải pháp trên và sự vào cuộc đồng bộ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, chúng ta có thể nắm được cơ hội rất tốt mà chúng ta đang có”, ông Hùng nói.
Tiền Phong