MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam thực sự có cơ hội trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Giống như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Mexico, Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, nhưng liệu Việt Nam có bị Tổng thống Donald Trump giáng thêm đòn ngoài thuế với nhôm, thép nhập khẩu?

Việt Nam sẽ là đối tượng tiếp theo bị Mỹ "giáng đòn"?

Chia sẻ tại Hội thảo “Chiến tranh thương mại: Tương lai nào cho doanh nghiệp sản xuất?” ngày 23/11, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, cho rằng thế giới đang phải đối mặt với không chỉ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, mà là căng thẳng thương mại của cả thế giới.

Vị giám đốc của Trung tâm WTO chỉ ra rằng, trong 2 năm cầm quyền của ông Trump với loạt quyết định rút khỏi các hiệp định thương mại tự do hay điều tra thương mại, Mỹ rõ ràng đang muốn giải quyết thâm hụt thương mại với các đối tác.

Vì Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc lớn nhất nên những “đòn” đầu tiên hướng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2017, Mỹ thâm hụt thương mại với Mexico 70 tỷ USD dẫn tới hành động Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận NAFTA và đồng thời áp thuế thép và nhôm, buộc cả Mexico và Canada phải bước vào vòng đàm phán lại với Mỹ, và từ đó ra đời Hiệp định USMCA.

Liên minh châu Âu (EU) cũng bị Mỹ giáng đòn thuế với nhôm, thép và ôtô. Việc rút khỏi thỏa thuận Iran cũng là để gây áp lực lên lợi ích của những nhà đầu tư EU ở Iran. Tương tự, với Nhật Bản Mỹ không chỉ rút khỏi Hiệp định TPP mà còn áp thuế lên nhôm, thép và ôtô.

Trong khi đó, năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam cao thứ 5, chỉ sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản và Đức. “Vì vậy, Việt Nam rất có thể sẽ nằm trong vòng xoáy chung của chiến tranh thương mại toàn cầu. Chỉ là hiện nay Mỹ chưa tìm được cách thức thích hợp để đánh Việt Nam”, bà Trang nói.

Việt Nam thực sự có cơ hội trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO trình bày tại hội thảo. Ảnh: TBKTSG.

Hàng hóa Việt Nam có cơ hội?

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng, nhiều thông tin cho rằng hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế cao tại Mỹ sẽ là cơ hội lớn cho hàng hóa của các nước khác vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Trang lưu ý rằng Trung Quốc không hề bỏ trống thị trường Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn có thể tiếp cận thị trường này vì thuế quan chỉ khiến hàng hóa vào thị trường đó khó hơn. Trong khi đó, hàng Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh về giá.

Bà dẫn số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong giai đoạn 2017 - 2018 tăng nhanh hơn bao giờ hết, ngay cả trong những tháng gần đây khi mà hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế. Vì vậy, theo bà Trang, đây chưa chắc là cơ hội cho Việt Nam.

Mặt khác, không chỉ Việt Nam mà nhiều nền kinh tế khác cũng đang muốn chớp cơ hội vào Mỹ như Việt Nam. Điều này đồng nghĩa hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa các nước khác để vào Mỹ.

Thậm chí, hàng hóa Việt Nam cũng sẽ bị cạnh tranh ở các thị trường ngoài Trung Quốc và Mỹ khi hàng hóa của hai nước này bị dồn sang các nước khác. Tại thị trường trong nước, hàng hóa nội địa sẽ phải đối mặt với làn sóng hàng hóa giá rẻ, dư thừa của Trung Quốc.

Bà Trang cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng nhưng khi nước này không thể bán hàng sang Mỹ, họ sẽ tận dụng sức tiêu dùng trong nước. Và khi đó, hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng sẽ bị cạnh tranh lớn với hàng nội địa.

Chưa thấy cơ hội thu hút vốn nước ngoài

Về cơ hội đầu tư, cũng có nhiều suy đoán rằng các nhà đầu tư nước ngoài lo sợ Mỹ áp thuế cao nên sẽ chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang các nước khác. Thậm chí, các nhà doanh nghiệp Trung Quốc cũng có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất ra nước ngoài để tránh thuế.

Theo bà Trang, đây cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư, nhưng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế vĩ mô, chứ không phải doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.

Hơn nữa, Việt Nam không phải là điểm đến đầu tư duy nhất của dòng vốn từ nước ngoài. Bà Trang dẫn số liệu của Jetro Nhật Bản cho biết, khi quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu leo thang vào năm 2017, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc tăng 2,4%, nhưng đến 5 tháng đầu năm 2018, con số này tăng gấp nhiều lần lên 14,4%.

Một số điểm đến đầu tư tăng trưởng mạnh khác của Nhật Bản tại châu Á như Hàn Quốc (tăng từ 4,5% lên 153,7%), Thái Lan (tăng từ 2 lên 18,7%), Singapore(đến 5 tháng đầu năm 2018 là 305,2%). Trong khi đó, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam giảm hơn một nửa từ 19,7% của năm 2017 xuống 8,2% của 5 tháng đầu năm 2018.

Điều này chứng tỏ các nước khác đang chớp cơ hội nhanh hơn Việt Nam, bà Trang nhận định.

Tuy nhiên, bà cho rằng Việt Nam cũng sẽ chịu nguy cơ chuyển dịch giả mạo, gian lận thương mại do Trung Quốc mượn thị trường để tránh thuế. Nói cách khác, doanh nghiệp Trung Quốc có thể đầu tư chỉ để thực hiện quy trình sản xuất nhỏ, từ đó lấy xuất xứ Việt Nam xuất đi để né thuế.

Một điều quan trọng của doanh nghiệp cần lưu ý là dĩ bất biến ứng vạn biến, nghĩa là củng cố những yếu tố cố định như năng lượng cạnh tranh, năng lực sáng tạo, năng lực kết nối để có thể thắng được những biến động lớn xung quanh.

Theo Phan Vũ

Người đồng hành

Trở lên trên