Việt Nam tiến sát nâng hạng thị trường chứng khoán: Cú hích 'hút' 25 tỷ USD vốn ngoại
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, việc nâng hạng thành công thị trường chứng khoán có thể thu hút tới 25 tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế vào năm 2030. Ngoài việc đáp ứng tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng đưa ra, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, phát triển thị trường theo chiều sâu, tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng hàng hoá.
- 23-04-2024Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 23/04
- 23-04-2024VN-Index bất ngờ đảo chiều bứt phá với thanh khoản tụt dốc: Đáy quanh đây hay chỉ là phiên "bull trap"?
- 23-04-2024Cú đấm "thổi nồng độ cồn": Lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất bia 333, bia Sài Gòn Lager "bốc hơi" 93% trong quý 1, lên kế hoạch lãi năm 2024 thấp nhất lịch sử
Bước ngoặt của thị trường
Tại hội thảo khoa học chủ đề "Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam” vừa qua, nhiều ý kiến đều chung quan điểm, nâng hạng sẽ tạo bước ngoặt phát triển mới cho thị trường chứng khoán.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc nâng hạng thị trường phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan.
Ngoài ra, việc nâng hạng còn phụ thuộc vào sự trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam. Điều này rất cần sự chung sức của các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt.
Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng cho biết, việc nâng hạng sẽ nâng cao đáng kể vị thế thị trường của Việt Nam, mang lại khả năng tiếp cận đầy đủ cho các nhà đầu tư nước ngoài, với vốn sở hữu có quy mô và tính thanh khoản đủ để hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển ở giai đoạn phát triển tương đương. Ngân hàng Thế giới ước tính, việc nâng hạng thành công thị trường chứng khoán có thể thu hút tới 25 tỷ USD đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào năm 2030.
Gỡ nhiều điểm nghẽn
Để đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường, nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc triển khai nhanh chóng hệ thống KRX được xem là bước đi quan trọng, đồng thời cần giải quyết các vấn đề như thực hiện yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding), cải thiện giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Trên cơ sở này, TS Nguyễn Văn Phụng đề nghị cần làm rõ và thu hẹp dần danh mục ngành nghề hạn chế sở hữu nước ngoài tại các luật liên quan; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường,… Ngoài ra, theo ông Phụng, cần thẩm định, giám sát chặt chẽ việc phát hành chứng khoán; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo phương án phát hành được cấp phép theo quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường; giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán, bảo đảm độ tin cậy, minh bạch.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, CTCP Chứng khoán SSI cho biết, Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ từ SSI dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động, FTSE Russel ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF.
Theo đó, FTSE Russel đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2018, với các đánh giá cụ thể và chi tiết về điều kiện mà Việt Nam cần phải thực hiện để có thể được nâng hạng. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính, với vướng mắc lớn nhất để FTSE Russel ra quyết định nâng hạng liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại (failed trade).
Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025. Trước đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT phối hợp, xử lý nhanh, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường, báo cáo trước ngày 30/6 tới.
Tiền phong