MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam tiến vào lĩnh vực 'quan trọng sống còn' của Mỹ: Kế hoạch 39.000 tỷ ấn định, mở cửa đón 'đại bàng'

19-09-2023 - 07:07 AM | Tài chính quốc tế

Việt Nam tiến vào lĩnh vực 'quan trọng sống còn' của Mỹ: Kế hoạch 39.000 tỷ ấn định, mở cửa đón 'đại bàng'

Việt Nam có thể đang nắm câu trả lời cho lĩnh vực có "tầm quan trọng sống còn" đối với ngành sản xuất Mỹ.

Kế hoạch 39.000 tỷ

Việt Nam đã chính thức thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội trong hai ngày 10-11/9 vừa qua.

Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, nhận định bước tiến này giữa hai nước đã mở ra cơ hội hợp tác song phương và hợp tác khu vực trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng và công nghệ mới nổi.

Theo Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Mỹ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, lãnh đạo hai phía ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Đặc biệt, Việt Nam và Mỹ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Việt Nam tiến vào lĩnh vực 'quan trọng sống còn' của Mỹ: Kế hoạch 39.000 tỷ ấn định, mở cửa đón 'đại bàng' - Ảnh 1.

Hình vẽ 3D của nhà máy Amkor Technology Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong II-C tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Amkor Technology Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, theo thông báo từ Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 11/9, công ty Amkor Technology có trụ sở tại bang Arizona sẽ công bố bắt đầu vận hành nhà máy hiện đại bậc nhất ở tỉnh Bắc Ninh vào tháng 10/2023. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 1,6 tỷ USD (tương đương hơn 39 nghìn tỷ đồng).

Công ty Synopsys có trụ sở tại bang California sẽ ra mắt trung tâm ươm tạo và thiết kế chip bán dẫn hợp tác với Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Công ty Marvell có trụ sở tại bang California công bố sẽ thành lập trung tâm thiết kế chip bán dẫn đẳng cấp thế giới tại TP. Hồ Chí Minh.

Việt Nam là đối tác lý tưởng và đáng tin cậy

CSIS cho hay, khả năng của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo lực lượng có trình độ và mong muốn xây dựng nền kinh tế bớt phụ thuộc đã đưa quốc gia Đông Nam Á trở thành đối tác lý tưởng của Mỹ trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn đáng tin cậy hơn.

Theo Technavio, thị trường bán dẫn ở Việt Nam ước tính sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,12% trong giai đoạn 2022-2027. Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ và có trình độ, trong khi chi phí lao động lại thấp hơn so với các nước láng giềng nên ngày càng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp có mong muốn dịch chuyển sản xuất.

Hơn nữa, ngành công nghiệp của Việt Nam đang được thúc đẩy nhờ các khoản đầu tư đáng kể từ các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn.

Việt Nam tiến vào lĩnh vực 'quan trọng sống còn' của Mỹ: Kế hoạch 39.000 tỷ ấn định, mở cửa đón 'đại bàng' - Ảnh 2.

Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Báo đầu tư

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ dành cho các dự án công nghệ cao, ví dụ như giảm thuế doanh nghiệp.

Khi một số công ty công nghệ bắt đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất, chính phủ Việt Nam đã thành lập một nhóm chuyên trách thu hút đầu tư công nghệ thông qua ưu đãi dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tới nay, những "gã khổng lồ công nghệ" như Dell, Google, Microsoft và Apple đều đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam.

Các nhà sản xuất linh kiện và vật liệu bán dẫn cũng đi theo xu hướng này. Trước Amkor Technology, Intel đã có một nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD (gần 37 nghìn tỷ đồng) tại Việt Nam, thuộc hàng lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của tập đoàn. Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, "ông lớn" ngành chip đang có kế hoạch mở rộng ở miền nam Việt Nam để đóng gói và thử nghiệm chip.

Trong khi đó, vào năm 2022, Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) đã công bố dự án với vốn đầu tư tăng từ 1,35 tỷ USD ban đầu lên 2,27 tỷ USD (hơn 55 nghìn tỷ đồng) để mở rộng hoạt động ở Việt Nam.

Mục tiêu của dự án là sản xuất và lắp ráp các loại sản phẩm bảng mạch điện tử kết nối mật độ cao và các linh kiện, phụ tùng dành cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao và các loại sản phẩm điện và điện tử khác...

Tháng 5 năm nay, Hanmi Semiconductor – công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới của Hàn Quốc – đã thông báo đưa chi nhánh tại tỉnh Bắc Ninh vào hoạt động.

Một tháng sau, Infineon Technologies AG, công ty lớn nhất của Đức chuyên về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT đã công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam và xây dựng đội ngũ phát triển chip tại Hà Nội.

Cũng trong tháng 6, công ty SKC Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Thành phố Hải Phòng của Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư cho vật liệu bán dẫn tiên tiến, pin thứ cấp và một số loại vật liệu khác thân thiện với môi trường.

Việt Nam tiến vào lĩnh vực 'quan trọng sống còn' của Mỹ: Kế hoạch 39.000 tỷ ấn định, mở cửa đón 'đại bàng' - Ảnh 3.

Theo ông Thayer, Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực sản xuất vật liệu bán dẫn theo tiêu chuẩn thế giới. Ảnh: Shutterstock

Đáp án cho lĩnh vực ‘quan trọng sống còn’ của Mỹ

Bình luận bên lề chuyến thăm Việt Nam quan trọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Carl Thayer - Giáo sư danh sự trường đại học New South Wales (Australia) - cho rằng hoàn toàn có cơ sở khi Mỹ lựa chọn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực công nghệ cao như vật liệu bán dẫn.

"Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực sản xuất vật liệu bán dẫn theo tiêu chuẩn thế giới với các tập đoàn Mỹ như Intel và Amkor. Trong khi đó, vật liệu bán dẫn có tầm quan trọng sống còn đối với ngành sản xuất Mỹ," ông Thayer nêu quan điểm.

Cùng bàn về chủ đề này, nhà phân tích Aaron Raj trên tờ T ech Wire Asia nhận định, Việt Nam có thể là câu trả lời cho chuỗi cung ứng chip của Mỹ.

Trong thông báo đăng trên website chính thức ngày 11/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Việt Nam đã cho thấy triển vọng với tư cách là đối tác (của Mỹ) trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn đa dạng và linh hoạt.

Chính phủ Mỹ đang hợp tác với chính phủ Việt Nam nhằm khám phá các cơ hội phát triển và đa dạng hóa hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI) được thành lập theo Đạo luật CHIPS năm 2022.

Thông báo nhấn mạnh thêm rằng, mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp tạo ra chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu an toàn, bền vững hơn, đồng thời giúp xác định các cơ hội thu hút đầu tư mới trong ngành và mở rộng lực lượng lao động kỹ thuật ở cả hai nước.

Theo tờ The Asset , Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu chip lớn thứ 3 sang thị trường Mỹ, sau Malaysia và đảo Đài Loan (Trung Quốc). Kim ngạch xuất khẩu linh kiện và vật liệu bán dẫn từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng từ mức 321,7 triệu USD vào tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD trong tháng 2/2023.

Hãng Bloomberg hồi tháng 4 cho biết, linh kiện và vật liệu bán dẫn của Việt Nam đã chiếm hơn 10% hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp. Cùng với Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia, Việt Nam nổi lên như "người chiến thắng" trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực đang dạng hóa thị trường cung ứng vật liệu bán dẫn.

Theo Vy Lam

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên