MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư

Nhiều tờ báo và tổ chức quốc tế tiếp tục nhận định Việt Nam là điểm đến của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư - VTV.VN

Trong tuần qua, nhiều tờ báo và các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, với nhận định Việt Nam là điểm đến của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mặc dù kinh tế Việt Nam vẫn đang chịu nhiều tác động rủi ro từ kinh tế toàn cầu.

Tờ The Star của Malaysia ngày 13/4 nhận định, Việt Nam là điểm đến FDI hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu. Tờ báo này trích dẫn số liệu, 36% doanh nghiệp châu Âu xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, top 3 hoặc top 5 điểm đến hàng đầu, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 11/4 vừa qua; đồng thời nhấn mạnh ổn định chính trị, khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một địa điểm đầu tư năng động.

Trang Vietnam Briefing có bài viết, Việt Nam bổ sung 2,35 tỷ USD vốn FDI trong tháng 3, đồng thời đưa ra một bảng thống kê chi tiết về các quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam tháng này. Theo trang tin, sản xuất và chế biến tiếp tục chuỗi thắng lợi trong tháng 3, mang về thị phần FDI lớn nhất với tổng trị giá hơn 1,8 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Việt Nam là điểm đến FDI hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Việt Nam đã chứng tỏ sức hấp dẫn và thế mạnh của điểm đến đầu tư "thời khủng hoảng". Các công ty cố gắng đầu tư vào các điểm đến có chi phí cạnh tranh, các quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do làm cơ sở xuất khẩu, các quốc gia có nguồn nhân lực xuất sắc và lành nghề, hơn nữa là các quốc gia mà chính phủ hoan nghênh đầu tư nước ngoài. Tất cả đều có ở Việt Nam", ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, đánh giá.

Theo Tân hoa xã, thị trường lao động của Việt Nam duy trì khả năng phục hồi trong quý đầu tiên, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng. 1,1 triệu việc làm được tạo thêm trong 3 tháng đầu năm, tương đương với mức tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

"Quý đầu tiên thực sự khó khăn đối với Việt Nam, thương mại và xuất khẩu đã giảm đáng kể. Thị trường bên ngoài có nhiều thách thức, nhưng trong nước, tiêu dùng tư nhân tích cực, khi thị trường lao động phục hồi. Sự trở lại của khách du lịch sẽ là động lực rất cần thiết để phụ hồi kinh tế trong quý 2 này. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng trung bình của Việt Nam khoảng 5% trong nửa đầu năm nay", bà Yun Lin, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC, cho biết.

Tờ dailynigerian đánh giá, Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2022 của Việt Nam phản ánh sự lạc quan của công chúng với 66,1% số người được hỏi đánh giá tích cực về nền kinh tế đất nước.

Theo Quang Hưng

VTV

Trở lên trên