MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam và láng giềng tăng cường hợp tác khai thác 'viên ngọc' tiềm năng 6.000 tỷ USD

14-01-2024 - 09:57 AM | Thị trường

"Viên ngọc" này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Nguyên thủ Indonesia đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD và cao hơn ở mức 18 tỷ USD trước năm 2028.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal. Halal trong tiếng Arab có nghĩa là hợp pháp hoặc được phép dùng. Trong Hồi giáo (Islam), thuật ngữ này dùng để chỉ sản phẩm được phép dùng hoặc hành động được làm trong khuôn khổ tôn giáo. Người theo tôn giáo này chỉ được phép sử dụng các sản phẩm Halal (có ký hiệu "Halal") theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Đông Nam Á là nơi có đông người Hồi giáo nhất thế giới, với 277 triệu người, chiếm khoảng 42% tổng dân số khu vực. Do đó, Đông Nam Á cũng là thị trường có nhu cầu cao với các sản phẩm Halal. Và Indonesia là nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới với hơn 200 triệu người.

Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm và phong cách sống vào năm 2022.

Chi tiêu này dự kiến đạt 2.800 tỷ USD vào 2025. Riêng thị trường thực phẩm Halal Đông Nam Á có quy mô 230 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Năng lực xuất khẩu top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 26,37 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Indonesia 10,18 tỷ USD.

Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có thể đạt 6.044 tỷ USD vào 2030

Theo báo cáo phát hành cuối năm 2023 của công ty nghiên cứu thị trường Vantage Market Research, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu trị giá 2.194,8 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt giá trị 6.044,5 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 13,5% từ năm 2023 đến năm 2030.

Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đang trải qua quá trình mở rộng "đáng chú ý, được thúc đẩy bởi các yếu tố chính nhấn mạnh tính năng động của thị trường" - báo cáo nhấn mạnh.

Một quán cà phê di động tai TP HCM có dấu "Halal" - phù hợp cho người Hồi giáo sử dung - tại Chợ Bến Thành (TP HCM). Ảnh: Dy Khoa.

Yếu tố chính trong số các yếu tố này là sự tăng trưởng bền vững của dân số Hồi giáo, dự đoán sẽ đạt 2,8 tỷ người vào năm 2050. Xu hướng nhân khẩu học này được bổ sung bởi cơ sở người tiêu dùng ngày càng mở rộng thể hiện sự quan tâm cao độ đối với các sản phẩm Halal, cùng với sự gia tăng đáng chú ý về thu nhập khả dụng ở một số nước. Đặc biệt là các quốc gia đa số theo đạo Hồi.

Nhu cầu về các dịch vụ Halal tiện lợi đã chứng kiến sự gia tăng đột biến, được thúc đẩy bởi các lực lượng toàn cầu hóa và đô thị hóa. Những xu hướng biến đổi này đã làm phát sinh lối sống đô thị hóa và hiện đại hóa, thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm halal trong các phân khúc người tiêu dùng đa dạng.

Báo cáo này đưa ra nhận định rằng: "Nười tiêu dùng không theo đạo Hồi đang ngày càng quen với các sản phẩm Halal. Hiện tượng này có thể là do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm sự hiện diện của các nhóm dân cư đa dạng, sự phổ biến của du lịch Halal và khả năng tiếp cận ngày càng tăng của các sản phẩm Halal tại các cửa hàng bán lẻ chính thống".

Các công ty hàng đầu trong thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đa số tập trung tại Malaysia - một quốc gia có dân theo Hồi giáo chiếm đa số. Trong đó có QL Foods Sdn Bhd, DagangHalal, Kawan Berhad Prima Agri-Products Sdn Bhd…

Chứng nhận Halal đảm bảo cho tất cả những người người tiêu dùng theo đạo Hồi rằng sản phẩm tuân thủ theo Luật Shariah (Luật Hồi giáo). Và với những người không theo đạo Hồi, sản phẩm đạt chứng nhận Halal là sản phẩm chất lượng dựa trên Halalan toyyiban (Hợp pháp và lành mạnh) vì nó tích hợp cả chương trình Thực hành Sản xuất Tốt (GMP), HACCP, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Dy Khoa

PV

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên