MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietcombank, BIDV liên tiếp đón tin vui, VietinBank "lặng lẽ chờ thời"

13-11-2019 - 15:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi Vietcombank, BIDV liên tiếp công bố những thương vụ với giá trị kỷ lục thì mọi việc lại kém suôn sẻ với VietinBank. Phương án bố trí ngân sách để tăng vốn cho VietinBank trước mắt vấn chưa thể thực hiện khi vấn đề này sẽ không được đưa vào dự thảo Nghị quyết, Quốc hội lần này.

BIDV tìm được đối tác chiến lược, vốn điều lệ đứng thứ nhất hệ thống

Những tháng cuối năm, Vietcombank và BIDV liên tiếp công bố những thương vụ với những con số kỷ lục trong ngành ngân hàng. Những sự kiện này đều có tầm quan trọng, là một dấu mốc mới trong chiến lược kinh doanh của 2 nhà băng này.

Tối 11/11, BIDV đã chính thức tổ chức buổi lễ công bố cổ đông chiến lược KEB Hana Bank. Như vậy, sau hơn 2 năm triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, BIDV đã hoàn tất phát hành thành công hơn 603 triệu cổ phiếu cho một định chế tài chính lớn của Hàn Quốc. Tổng số tiền thu về từ việc chào bán cổ phiếu là hơn 20.295 tỷ đồng (giá bán 33.640 đồng/cp).

Theo đó, vốn điều lệ của BIDV từ mức 34.187 tỷ đồng đã tăng lên 40.220 tỷ – trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay. Với việc vốn chủ sở hữu được bổ sung lượng tiền lớn như vậy, mục tiêu đạt chuẩn Basel 2 của BIDV đang dần trở thành hiện thực.

Mặc dù đã phát hành 15% vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại BIDV vẫn còn rất cao so với mức tối thiểu (65%). Bởi vậy, ngân hàng này còn có nhiều cơ hội để có thêm cổ đông chiến lược ngoại.

Điều đáng nói, việc bán vốn cho KEB Hana Bank đã đem lại cho BIDV nhiều lợi thế ngoài việc giải quyết được vấn đề tăng vốn cấp bách. Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, KEB Hana Bank sẽ giữ cổ phần BID ít nhất 5 năm, hỗ trợ BIDV không giới hạn trong 6 lĩnh vực quan trọng. Sự hợp tác này sẽ giúp BIDV có cơ hội thay đổi căn cơ mô hình quản trị, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao,…

BIDV đang tập trung cải thiện chất lượng tài sản, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tăng trích lập dự phòng và dự kiến có thể tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm nay. Như vậy, dư địa để ngân hàng này có thể bứt phá trong những năm tới là rất lớn. Cần lưu ý rằng, BIDV đang là ngân hàng có quy mô lớn nhất, thu nhập lãi thuần cao nhất, doanh thu cao nhất hệ thống.

Vietcombank ký thương vụ Bancassurance giá trị kỷ lục, có thể thu về 600 tỷ hàng năm

Còn tại Vietcombank, ngân hàng cũng vừa công bố lễ ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á FWD. Theo thỏa thuận này, Vietcombank sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của FWD. Một phần trong giao dịch là FWD sẽ mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cafdif và giao dịch này đang chờ sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Giá trị thương vụ ký kết bancassurance chưa được tiết lộ chính thức. Song theo nguồn tin trước đó của Bloomberg, tổng giá trị có thể lên đến 1 tỷ USD và trước mắt, FWD sẽ thanh toán 400 triệu USD cho Vietcombank. Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho biết giá trị hợp tác là lớn nhất tại thị trường bảo hiểm Việt Nam từ trước đến nay.

Năm nay cũng là năm mà lợi nhuận trước thuế của Vietcombank có khả năng cán đích 1 tỷ USD – điều mà chưa một ngân hàng Việt nào làm được từ trước đến nay. Hơn nữa, nguồn thu từ việc ký kết thỏa thuận bảo hiểm sẽ đảm bảo lợi nhuận của Vietcombank cho những năm tiếp theo.

Trong báo cáo mới đây, JP Morgan đánh giá cao triển vọng của Vietcombank với lợi thế thị phần và nguồn vốn giá rẻ. Tỷ trọng các khoản cho vay bán lẻ của ngân hàng đã tăng lên 37% từ mức 14% của năm 2013 và kỳ vọng tiếp tục tăng lên 46% trong 3 năm tới. Ngoài ra, thu nhập từ phí dự kiến tăng trưởng 25-32% nhờ việc ký kết các thỏa thuận bancassurance. Theo tính toán của JP Morgan, hợp đồng ký kết bảo hiểm sẽ mang về khoản thu nhập thường xuyên 600 tỷ đồng/năm, trong 15 năm cho Vietcombank.

Tương tự BIDV, Vietcombank còn khá nhiều "room" cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng đang có dự định tăng vốn thêm 14.000 tỷ đồng trong thời gian tới, và khi đó có nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đáp ứng chuẩn Basel II theo yêu cầu của NHNN, theo đó, nhà băng này có thể được ưu tiên nới room tín dụng.

Chưa thể tăng vốn bằng ngân sách, VietinBank vẫn phải chờ

Trong khi đó, nhìn lại VietinBank, mọi chuyện đang trở nên ngày càng khó khăn. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhà băng này đã lên mức tối đa. Nếu muốn bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải chờ vài năm nữa đến khi việc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước về 51% được thông qua.

Phương án tăng vốn từ ngân sách hay tăng vốn bằng giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng vô cùng khó khăn, đề xuất mãi nhưng chưa thành hiện thực.

Mới đây, tại kỳ họp của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết quá trình góp ý dự thảo nghị quyết có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vào dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình. Do vậy, xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo nghị quyết.

Như vậy, về vấn đề bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho VietinBank trước mặt vẫn chưa thể thực hiện.

Sau khi tăng được vốn, BIDV đã quyết định trả cổ tức năm 2017, 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% (mỗi năm). Trong khi đó, vì chưa tăng được vốn, VietinBank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2018 với tỷ lệ 8,03% hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Phương án này đã được ĐHĐCĐ thông qua, nhưng đến nay chưa thể tiến hành.

"Vô cùng cấp bách" là cụm từ mà lãnh đạo VietinBank thường nhắc đến khi đề cập đến nhu cầu tăng vốn của nhà băng này. Trong nhiều năm qua, ngân hàng cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính cho phép không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để bổ sung nguồn vốn tự có. Đề xuất này liên tiếp bị bác bỏ.

Trong 3 năm qua, VietinBank cũng là một trong những ngân hàng phát hành nhiều trái phiếu kỳ hạn dài nhất trên thị trường, nhằm bổ sung vốn cấp 2, đảm bảo phần nào tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Ngân hàng cũng cho biết sẽ thoái vốn khỏi các khoản đầu tư, các công ty con kém hiệu quả để cải thiện vốn.

Thế nhưng, nguồn vốn từ trái phiếu cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của VietinBank. Theo ông Lê Đức Thọ, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng nếu tính theo thông tư 41 đã ở mức dưới 8%.

9 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của VietinBank chỉ tăng 3,9% (cả năm dự kiến tăng 6-7%). Dù vậy, LNTT 9 tháng của VietinBank vẫn đạt 8.456 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong hệ thống. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay bán lẻ, tăng nguồn thu ngoài lãi.

Có thể thấy, bằng nhiều cách, VietinBank vẫn "sống tốt" và duy trì được vị trí trong top 5. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của ngân hàng sẽ không thể nào theo kịp những ngân hàng lớn khác nếu không sớm được cởi trói cơ hội tăng vốn.

Thu nhập từ tín dụng vẫn là thu nhập chính của các nhà băng nên dù tập trung chuyển dịch cơ cấu nguồn thu sang phi tín dụng thì vẫn khó đảm bảo vị thế của VietinBank trên đường đua thời gian tới.

Những năm trước đây, BIDV và VietinBank là 2 ngân hàng có thu nhập lãi thuần cao nhất trong hệ thống và bỏ xa Vietcombank. Thế nhưng 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đã đạt gần 26.000 tỷ đồng, cao hơn mức 24.500 tỷ của Vietinbank.

Một phương án khác từng được đưa ra cho VietinBank khi SCIC đề xuất mua cổ phần ngân hàng bằng mệnh giá. Đây có lẽ là phương án khả thi nhất hiện nay, khi vẫn đảm bảo tổng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước không dưới 65% vốn.

Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên nhiều tranh cãi khi mức giá đề xuất quá thấp. Trong khi cổ phiếu CTG của VietinBank trên sàn đang ở mức 2x, thì nếu SCIC được mua với giá mệnh giá, những nhà đầu tư khác sẽ đánh giá thế nào?

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên