MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietcombank sẽ "buông" ngân hàng nào?

15-04-2016 - 14:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn luôn tập trung sự chú ý của thị trường và cổ đông. Điển hình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của ngân hàng Vietcombank vừa diễn ra, câu chuyện thoái vốn theo quy định của Thông tư 36 của cổ đông chất vấn ban chủ tọa đã hâm nóng nghị trường.

Theo Thông tư 36 quy định, một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận, hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật. Vì thế, theo lộ trình các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1/2/2015).

Tuy nhiên sau hơn một năm, các ngân hàng thương mại vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giảm sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại tại tổ chức tín dụng khác.

Hiện Vietcombank là ngân hàng nắm vốn tại các TCTD nhiều nhất, sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Cụ thể, Vietcombank đang nắm hơn 7,16% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB); 8,19% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank); 5,07 vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và 4,3% vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SGB), ngoài ra Vietcombank cũng đang sở hữu 10,91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng.

Trước sức ép thoái vốn theo đúng quy định, Vietcombank sẽ bỏ ai và chọn ai? Trả lời chất vấn của cổ đông vào phiên họp mới đây, Chủ tịch HĐQT ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trước mắt NHNN cho phép Vietcombank giữ nguyên tỷ lệ này tại ngân hàng Quân đội (MBB) - đây là ngân hàng hoạt động hiệu quả.

"Ngân hàng sẽ nghiên cứu và chỉ giữ lại cổ phần ở 2 ngân hàng. Việc giữ lại ngân hàng nào hay bán cổ phần đơn vị nào ngân hàng sẽ căn cứ vào tín hiệu thị trường và kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Đối với OCB và Saigonbank giá trị thấp chỉ hơn 100 tỷ, mức đầu tư quá nhỏ bé so với tổng tài sản của VCB", Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết.

Như vậy, Vietcombank sẽ phải chọn 1 trong 4 TCTD trên ngoài MBB để giữ lại cổ phần sở hữu và thoái vốn tại 3 TCTD còn lại.

Về kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết năm 2015 ngân hàng đã trình ĐHĐCĐ thông qua việc tìm kiếm 1 TCTD sáp nhập và với tiêu chí TCTD này phải bổ trợ sức mạnh cho Vietcombank. Hiện nay, Vietcombank vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để tiến hành sáp nhập. Do đó, khi nào thống nhất được đối tác, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua.

Với Saigonbank, Vietcombank đã từng có ý định sáp nhập thêm nhà băng này để đáp ứng lộ trình trên, song đến nay không có kết quả.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên