Vietcombank thông báo giảm tiếp lãi suất cho vay, không áp dụng cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán
Đây là lần thứ 3 Vietcombank giảm lãi suất cho vay trong năm nay.
- 03-08-2023Điểm danh những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất nửa đầu năm
- 03-08-2023Giá vàng "mắc kẹt"
- 03-08-2023Mất số tiết kiệm có rút được tiền không?
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa thông báo về việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, ngân hàng quyết định triển khai giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Vietcombank lưu ý, việc giảm lãi suất lần này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…
Trước đó, Vietcombank cũng đã triển khai 2 chính sách giảm lãi suất cho vay khách hàng. Đợt 1 là từ ngày 1/1 – 30/4 Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Đợt 2, từ ngày 1/5 – 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng tiếp tục có yêu cầu ngành ngân hàng giảm thêm lãi suất. Ngày 31/7/2023, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 297/TB-VPCP ngày 31/7/2023 "Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023". Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt (tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, cung tiền M2 kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, tập trung tín dụng vào các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…); phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý.
Nhịp sống thị trường