Vietcombank trình Thống đốc phương án hỗ trợ 1 ngân hàng yếu kém
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại trụ sở Vietcombank đầu xuân Đinh Dậu, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: “Vietcombank đã chủ động xây dựng, hỗ trợ một NHTM yếu kém và đã đăng ký với Thống đốc và trình Chính phủ. Sau khi nhận được phê chuẩn của Chính phủ và NHNN, Vietcombank cam kết sẽ là NH tiên phong tái cơ cấu thành công một NH yếu kém do Chính phủ và NHNN giao”.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ: “Năm 2017, ngoài việc tự tái cơ cấu thì trách nhiệm rất lớn của Vietcombank là tham gia cùng hệ thống NH tái cơ cấu các TCTD khác. Đây là nhiệm vụ chính trị. Tất nhiên, khi Vietcombank tham gia vào tái cơ cấu thì sẽ có cơ chế chính sách minh bạch rõ ràng, chứ không phải yêu cầu tham gia tái cơ cấu để tạo ra bất lợi trong kinh doanh của Vietcombank”.
Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, tên NH yếu kém mà Vietcombank đang trình Thống đốc phương án hỗ trợ vẫn chưa được hé lộ chính thức. Tuy nhiên, trước đó, Viecombank được NHNN giao nhiệm vụ hỗ trợ NH Xây dựng (VNCB) trong các lĩnh vực nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, quản trị, trao đổi và cung cấp thông tin. Việc hỗ trợ vốn cho VNCB được Vietcombank cho biết là thực hiện phù hợp với pháp luật và quy định nội bộ mỗi bên, nhằm chi trả kịp thời tiền gửi hợp pháp của người gửi tiền. Về mặt quản trị, điều hành, Vietcombank đã cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với VNCB để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành.
Năm 2016, Vietcombank là NH đầu tiên xử lý toàn bộ nợ xấu tại VAMC trước thời hạn 3 năm, là NH duy nhất đưa nợ xấu về cùng một sổ và là NH có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất trong các TCTD tại Việt Nam, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng “Mặc dù năm qua Vietcombank đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ là thu hết nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng thẳng thắn mà nói, Vietcombank chủ yếu xử lý nợ xấu thông qua trích lập dự phòng. Cần đẩy mạnh các biện pháp khác để đẩy mạnh xử lý tài sản đảm bảo”.
Một trong những cam kết tiếp theo của Chủ tịch HĐQT Vietcombank với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là trong năm 2017, NH này sẽ tiên phong trong giảm lãi suất cho DN và tăng thu nhập từ phí dịch vụ. Đây là nội dụng trong yếu trong cơ cấu thu nhập của Vietcombank trong 2017.
Hiện tại NHNN đang là cổ đông lớn nhất của Vietcombank (đại diện phần vốn Nhà nước tại NH), chiếm tới 77,11% vốn điều lệ. Cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ. Các cổ đông khác (bao gồm tổ chức và cá nhân trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài) nắm giữ 7,89% vốn điều lệ của Vietcombank.
Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết: “Về nợ xấu, chỉ số ROA, ROE, và các chỉ số hiệu quả thì Vietocmbank là NH tốt nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, Vietcombank mong Chính phủ và NHNN ủng hộ trong tăng vốn. Trường hợp của Vietcombank hơi ngược lại so với các NH khác, Vietcombank chỉ muốn giá cổ phiếu trên sàn giảm để bán được vốn. Tuy nhiên giá cổ phiếu trên sàn trong năm vừa qua không giảm mà còn tăng hơn 30% so với năm trước đó. Tín hiệu thị trường với Vietcombank là tốt. Vì vậy mới có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài vẫn xếp hàng chờ nhưng giá thì chưa bán được. Vietcombank mong NHNN có hướng tháo gỡ để không chỉ Vietcombank mà còn các tập đoàn, tổ chức kinh tế khác có thể tăng vốn điều lệ qua nội dung này”.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá cao những nỗ lực của Vietcombank trong năm 2016 khi đạt được kết quả kinh doanh “cao nhất từ trước tới nay” với lợi nhuận đạt hơn 8.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng trong năm 2017, Vietcombank cần sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu của mình và trong đó, phải xác định rõ vị trí, chỗ đứng trong khu vực. “NH đặt mục tiêu vào nhóm 300 tập đoàn tài chính toàn cầu nhưng tôi yêu cầu trong đề án, Vietcombank cần xác định rõ, trong 5-10 năm tới đứng ở đâu tại Châu Á. Bên cạnh đó, Vietcombank cần triển khai có hiệu quả các quy trình thủ tục hành chính để giảm áp lực, thời gian tiếp cận vốn vay của DN và của nền kinh tế.”, ông Lê Minh Hưng nói.
Lao động