Vietcombank và BIDV có thêm 10 tỷ USD vốn hóa sau 5 tháng, gấp 4 lần Novaland, Kinh Bắc, Phát Đạt, DIC Corp, Đất Xanh cộng lại
Trong vòng 5 tháng trở lại đây, vốn hoá của Vietcombank đã tăng thêm 143.000 tỷ trong khi con số này với BIDV là 94.000 tỷ đồng.
Sau các nhịp hồi nhanh và mạnh từ đáy hồi giữa tháng 11 năm ngoái, VN-Index đã chững lại rõ rệt từ đầu tháng 2. Hầu hết các cổ phiếu vẫn giảm hàng chục % so với thời kỳ đỉnh cao, thậm chí nhiều cái tên còn miệt mài dò đáy. Trong bối cảnh đó, 2 “ông lớn” ngành ngân hàng là Vietcombank (mã VCB) và BIDV (mã BID) đã âm thầm trở lại vùng đỉnh lịch sử.
Sau khi rơi xuống đáy dài hạn vào trung tuần tháng 10 năm ngoái, VCB đã đảo chiều tăng 48,5% lên mức 92.100 đồng/cp. Vốn hoá của Vietcombank cũng theo đó tăng thêm gần 143.000 tỷ chỉ trong vòng 5 tháng, đạt hơn 436.000 tỷ đồng (~18,5 tỷ USD). Con số đưa nhà băng này vững vàng ở vị trí giá trị nhất toàn sàn chứng khoán và bỏ xa những cái tên phía sau.
Chưa thể bắt kịp Vietcombank về vốn hoá nhưng tốc độ tăng của BIDV không hề kém cạnh, thậm chí còn ấn tượng hơn. Trong vòng 5 tháng trở lại đây, cổ phiếu BID đã tăng 65% lên mức 47.150 đồng/cp. Giá trị vốn hoá tương ứng đạt hơn 239.000 tỷ đồng (~10,1 tỷ USD), tăng hơn 94.000 tỷ so với đáy hồi giữa tháng 10/2022.
Như vậy, sau đúng 5 tháng, bộ đôi Vietcombank và BIDV có thêm gần 237.000 tỷ đồng (~10 tỷ USD) vốn hoá. Con số này gấp 4 lần tổng giá trị vốn hoá của 5 doanh nghiệp bất động sản “đình đám” là Novaland, Kinh Bắc, Phát Đạt, DIC Corp và Đất Xanh cộng lại. Thậm chí, vốn hoá của 2 “ông lớn” ngành ngân hàng (675.000 tỷ đồng) còn gần bằng tổng giá trị của toàn bộ cổ phiếu bất động sản trên sàn HoSE.
Thực tế trong hơn một năm trở lại đây, sóng gió đã liên tục bủa vây nhóm bất động sản. Trong số 12 doanh nghiệp bất động sản từng lọt vào danh sách tỷ USD vốn hóa thời đỉnh cao cuối năm 2021, chỉ duy nhất Becamex IDC (BCM) không bị thụt lùi. Phần lớn các cái tên còn lại đều đã “bốc hơi” hàng chục, thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng vốn hóa sau hơn một năm. 3 “ông lớn” Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Novaland (NVL) mất nhiều nhất, đều trên 150.000 tỷ.
Đến thời điểm hiện tại, toàn sàn chứng khoán hiện có 42 doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa nhưng chỉ còn đúng 4 đại diện nhóm BĐS là Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail (VRE) và Becamex IDC. Riêng top 3 doanh nghiệp giá trị nhất thị trường đã không còn cái tên nào trong nhóm BĐS sau nhiều năm VIC và VHM thường xuyên “chễm chệ” trên đỉnh danh sách với vốn hóa trên 10 tỷ USD.
Nhóm ngân hàng cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng trước những biến động không thuận lợi của thị trường chung tuy nhiên mức độ có phần nhẹ nhàng hơn. Dù chưa thể về lại vùng đỉnh như bộ đôi Vietcombank và BIDV, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng đã hồi phục nhanh và mạnh từ đáy để thu hẹp đáng kể mức giảm so với đỉnh.
Trong câu lạc bộ tỷ USD vốn hoá hiện tại, nhóm ngân hàng vẫn đóng góp nhiều đại diện nhất với 15 cái tên. Riêng top 10 doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất thị trường chứng khoán đã có đến 4 ngân hàng.
Theo MBKE, hầu hết các ngân hàng Việt Nam hiện giao dịch gần mức định giá thấp nhất trong 10 năm qua, tương đương giai đoạn 2011-2012, trong khi bảng cân đối kế toán hiện tại của các ngân hàng Việt Nam đang tốt hơn đáng kể và bức tranh vĩ mô không còn xấu như 11 năm trước. “Điều tệ nhất đã được phản ánh phần lớn vào giá” – MBKE nhận định.
Tuy nhiên, MBKE không kỳ vọng một đợt sóng tăng lớn và ổn định đối với nhóm ngân hàng trong năm 2023. Mặt khác, nhóm phân tích cho rằng đây là cơ hội 10 năm có một để tích lũy các cổ phiếu ngân hàng chất lượng để đón đầu triển vọng nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam thời gian tới.
Còn đối với nhóm bất động sản, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về trái phiếu doanh nghiệp đang mang đến một vài tín hiệu tích cực. Theo đó, quy định mới cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác và cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm với sự đồng ý của trái chủ. Bên cạnh đó, quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ được tạm hoãn đến 31/12/2023.
Dù vậy, trong dài hạn vẫn còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập FIDT cho rằng nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng có khả năng bị thải loại rất lớn trong thời gian tới và Dự thảo luật đất đai cũng đã nêu rõ điều đó. Trong tương lai, bất động sản sẽ không phát triển ồ ạt mà sẽ đi vào chiều sâu, đi vào nhu cầu thực.
Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh câu chuyện pháp lý cũng là vấn đề chủ chốt của các doanh nghiệp bất động sản. Vướng mắc mà các dự án BĐS đang gặp phải đó là (1) phải đấu giá lại toàn bộ (2) cơ cấu tính quyền sử dụng đất (3) tái định cư. Tuy vậy, thời gian được giãn ra thêm 2 năm cũng phần nào đủ để giải quyết vấn đề pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản. Đây cũng xem như một đợt thanh lọc có chủ đích để chọn lọc những doanh nghiệp bất động sản thực sự chất lượng.
Nhịp Sống Thị Trường