Vietcombank, VietinBank, Agribank vừa tăng mạnh lãi suất huy động thêm hơn 1%/năm
Những ngân hàng này vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới sáng 27/9 với mức tăng mạnh hơn nhiều ngân hàng nhỏ.
- 26-09-2022Lãi suất huy động có thể tăng tới 2%/năm so với giai đoạn dịch bệnh?
- 24-09-2022Các ngân hàng lớn bắt đầu tăng mạnh lãi suất huy động, chính thức ghi nhận mốc cao mới
- 23-09-2022Ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động, nhiều kỳ hạn niêm yết ở mức tối đa cho phép
Sáng nay (27/9), Vietcombank đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới và tăng mạnh 0,8-1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank tăng 1% lên 4,1-4,4%/năm, vẫn còn thấp hơn với với trần quy định (5%/năm). Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,8%/năm lên 6,4%/năm. Từ kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tăng 1% lên 6,4%/năm.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,9%/năm, cao hơn 1,2-1,3% so với biểu lãi suất cũ. Kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng hình thức gửi online có mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm, tăng 1% so với trước đó.
Tương tự, VietinBank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng – dưới 3 tháng của nhà băng này đã tăng thêm 1% lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng – dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8%/năm so với trước.
Agribank cũng có bước điều chỉnh tương tự, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất là 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,4%/năm. Ngoài ra, đáng chú ý, Agribank tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 0,3%/năm trong khi đa số các ngân hàng khác niêm yết 0,1%/năm.
Trước đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành từ 23/9, hàng loạt ngân hàng tư nhân cũng tăng lãi suất huy động từ ngày 23, 24/9. Trong khi đó, các ngân hàng Big 4 đã giữ nguyên biểu lãi suất cho đến hôm nay 27/9 mới có động thái điều chỉnh.
Động thái tăng mạnh lãi suất của nhóm Big 4 sẽ ảnh hưởng đáng kể tới mặt bằng lãi suất của thị trường bởi những ngân hàng này chiếm hơn 45% thị phần tiền gửi toàn hệ thống.
Ngoài ra, với mức tăng từ 0,8-1,3%/năm, nhóm Big 4 trở thành nhóm những ngân hàng tăng lãi suất mạnh nhất trong đợt điều chỉnh này. Tuy nhiên, so với các nhà băng tư nhân, lãi suất của Vietcombank, VietinBank, Agribank vẫn thấp hơn đáng kể. Chẳng hạn, những ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, VPBank, SHB,…đều đã nâng lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng lên trên 7%/năm, có nơi cao nhất là 7,5-7,7%/năm.
Trong khi các ngân hàng lớn tăng mạnh lãi suất ở cả kỳ hạn dài và kỳ hạn ngắn thì nhóm ngân hàng nhỏ lại khá dè dặt trong đợt điều chỉnh này, chủ yếu nâng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần và giữ nguyên hoặc tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn dài.
Theo công ty chứng khoán VCBS, lãi suất huy động đã tăng 0,9-1,1%/năm từ đầu năm đến nay phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh. Tín dụng toàn nền kinh tế đến 26/8 tăng 9,91% trong khi tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4% cho thấy nhiều nhà băng đang "khát" tiền gửi. VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 1,5-2%/năm cho cả năm nay.
Nhịp sống thị trường