MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VietinBank muốn bán khoản nợ xấu gần 1.500 tỷ của "đại gia" buôn gạo một thời, giá khởi điểm chỉ bằng 1/10 dư nợ

05-12-2023 - 11:35 AM | Tài chính - ngân hàng

VietinBank muốn bán khoản nợ xấu gần 1.500 tỷ của "đại gia" buôn gạo một thời, giá khởi điểm chỉ bằng 1/10 dư nợ

Tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/10/2023 là hơn 1.494 tỷ đồng, phát sinh từ hai hợp đồng tín dụng được ký lần lượt tháng 10 và 11 năm 2013.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết đang tiến hành các thủ tục để đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà (Công ty Võ Thị Thu Hà) để thu hồi nợ.

Khoản nợ này bao gồm toàn bộ dư nợ (dư nợ gốc, lãi trong hạn, lãi phạt quá hạn) của khách hàng Công ty Võ Thị Thu Hà tại VietinBank Chi nhánh 7, TP.HCM phát sinh từ hai hợp đồng tín dụng được ký lần lượt tháng 10 và 11 năm 2013.

Tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/10/2023 là hơn 1.494 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 567,4 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 623,8 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn 303 tỷ đồng).

Đảm bảo cho nghĩa vụ nợ hiện tại là các tài sản theo các Hợp đồng thế chấp còn hiệu lực gồm: 5 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu phố 1, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 4 kho, công trình xây dựng, máy móc thiết bị tại tỉnh Đồng Tháp; hàng hóa thế chấp theo các hợp đồng thế chấp dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn, phiếu nhập kho.

VietinBank đưa ra giá khởi điểm bán đấu giá của khoản nợ này chỉ 142 tỷ đồng, tương đương chỉ 10% giá trị khoản nợ.

Ngân hàng lưu ý các khoản nợ được bán đấu giá theo nguyên trạng và theo phương thức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá có trách nhiệm xem xét, tìm hiểu các hồ sơ pháp lý khoản nợ và tự xác định tình trạng của khoản nợ, tình trạng tài sản bảo đảm của khoản nợ, giá trị ghi sổ của khoản nợ và tự chịu trách nhiệm với các rủi ro xảy ra (nếu có) sau khi đấu giá thành công khoản nợ.

Ngoài thông tin liên quan đến khoản nợ do người có tài sản cung cấp, người tham gia đấu giá khoản nợ có trách nhiệm xem xét, tự tìm hiểu, tự xác định tình trạng pháp lý của khoản nợ.

Công ty Võ Thị Thu Hà được thành lập năm 2011, từng là điểm sáng trong mô hình phát triển cánh đồng liên kết. Giai đoạn 2011-2015, doanh nghiệp này cùng lúc liên kết với hàng chục HTX ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Công ty còn hỗ trợ 20% chi phí về giống và vật tư nông nghiệp cho người nông dân thông qua các HTX.

Công ty này cũng trực tiếp thu mua tại đồng ruộng, cân lúa và thanh toán tiền mặt cho bà con nông dân và phối hợp với các HTX hỗ trợ và định hướng cho bà con nông dân đi lên sản xuất lớn, ổn định, nâng cao chuỗi giá trị của lúa gạo, giảm chi phí trung gian.

Với những hoạt động trên, doanh nghiệp này từng được biết đến là cơ sở cung ứng và xuất khẩu gạo được coi là đình đám nhất ở khu vực ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, Bà Võ Thị Thu Hà (Giám đốc công ty) bị khởi tố và bắt giữ vào tháng 7/2016 do liên quan đến vụ án ở Công ty lương thực Hậu Giang (Hậu Giang food), thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2012 đến 2013, Hậu Giang food ký 12 hợp đồng mua gạo của Công ty Võ Thị Thu Hà với số lượng gần 90.000 tấn gạo, tổng trị giá hơn 697 tỷ đồng nhằm mục đích xuất khẩu.

Sau đó, đối tác nước ngoài không nhận lô hàng nên Hậu Giang Food thỏa thuận bán lại toàn bộ cho Công ty Võ Thị Thu Hà với giá thấp hơn giá đã mua.

Tuy nhiên, do Công ty Võ Thị Thu Hà mất khả năng thanh toán nên Hậu Giang Food chỉ thu hồi được 9 thửa đất của công ty này thế chấp, trị giá hơn 42,28 tỷ đồng. Công ty Võ Thị Thu Hà nợ của 3 DN thành viên Vinafood 2 với số tiền hơn 900 tỷ đồng.

Năm 2019, TAND tỉnh Hậu Giang tuyên phạt bà Võ Thị Thu Hà 7 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Quốc Thụy

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên