Vietjet lớn nhanh như thổi ở thị trường quốc tế, ai hưởng lợi?
Trong bối cảnh thị trường nội địa dần chật chội, Vietjet Air vẫn duy trì được tăng trưởng và vị thế dẫn đầu lượng khách. Đồng thời, tăng trưởng mạnh ở thị trường quốc tế với doanh thu vận chuyển hành khách quốc tế tăng mạnh qua các năm.
Ngày 10/4, Hãng Hàng không Vietjet đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 với kết quả kinh doanh vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, doanh thu Vietjet Air đạt 53.577 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.816 tỷ đồng.
Bất chấp bối cảnh giá dầu tăng tới 30%, doanh thu vận tải hàng không đạt tới 33.779 tỷ đồng và lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế đạt 3.045 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 49,8% và 48,9% so với năm trước, minh chứng khả năng tăng trưởng doanh thu và quản lý chi phí tốt của công ty này. Có thể thấy, sự tăng trưởng kỷ lục năm 2018 của Vietjet đến từ hoạt động cốt lõi là dịch vụ vận tải hàng không.
Doanh thu vận chuyển hành khách quốc tế tăng theo cấp số nhân
Hiện nay, Vietjet và hãng hàng không quốc gia đã bao phủ hết thị trường nội địa. Mặc dù vậy, doanh thu vận tải nội địa của Vietjet Air vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng gần 20% và tiếp tục giữ vững vị thế hãng hàng không nội địa dẫn đầu về lượng khách vận chuyển.
Đáng chú ý hơn, Vietjet Air đang tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Cách đây 5 năm, Vietjet Air mới chỉ đạt 178 tỷ đồng doanh thu vận chuyển hành khách quốc tế, và tăng lên 802 tỷ đồng vào năm 2016. Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm gần đây, doanh thu quốc tế của Vietjet Air đã tăng theo cấp số nhân, đồ thị doanh thu "dựng đứng". Năm 2018, doanh thu vận chuyển hành khách quốc tế tăng gần gấp đôi so với năm 2017.
Tổng doanh thu vận chuyển hành khách của Vietjet Air năm 2018 là 24.681 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu phụ trợ, một mảng có biên lợi nhuận cao (bán đồ lưu niệm, đồ ăn, các dịch vụ cộng thêm, quảng cáo trên tàu bay…), đạt 8.410 tỷ đồng tăng trưởng tới 53,5% so với năm trước.
Tăng trưởng chuyến bay quốc tế vượt trội so với các đối thủ cùng ngành
Theo số liệu từ hãng và cục hàng không Việt Nam, trong năm 2018, Vietjet Air đã thực hiện 118.923 chuyến bay, tăng hơn 21 nghìn chuyến bay, trong đó có 34.990 chuyến quốc tế (tăng trưởng 56,25% so với năm 2017). Mức tăng trưởng này của Vietjet Air bỏ xa tăng trưởng bình quân của toàn ngành, chỉ ở mức 9% và cũng vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.
Cụ thể, trong năm 2018, tổng cộng các hãng hàng không khác tại Việt Nam chỉ tăng khoảng trên 4.000 chuyến bay.
Năng lực quản lý chi phí tốt cũng mang tới cho Vietjet khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Chi phí hoạt động không bao gồm chi phí nhiên liệu (CASK ex-fuel) giảm -0,1% trong năm ngoái xuống 2,38 cent nhờ đội bay hiện đại tiết kiệm nhiên liệu và mới nên chi phí bảo dưỡng thấp, bên cạnh đó là chương trình hỗ trợ tối ưu chi phí xăng dầu của nhà sản xuất động cơ. So sánh với ngành, bình quân chi phí trên một đơn vị ASK trong năm 2018 tăng từ 4 – 5% (nguồn IATA, YTD 2018). Nhờ thế, lợi nhuận từ các đường bay quốc tế tăng, chiếm trên 60 % tổng lợi nhuận vận tải hàng không của hãng hàng không này trong năm 2018.
Ngoài việc cung cấp nhiều lựa chọn về thời gian và điểm đến, Vietjet cũng đang tiếp cận được với nhóm khách hàng có thu nhập cao hơn nhờ những dịch vụ ưu tiên, hạng ghế Skyboss, các dịch vụ gia tăng, lựa chọn dịch vụ trên tàu với 9 món ăn nóng tươi ngon, bên cạnh các chương trình hoạt động đa dạng... Những khách hàng trên đường bay quốc tế có khả năng chi tiêu cao hơn cả cho giá vé và doanh thu phụ trợ…
Vietjet đang tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường quốc tế.
Bên cạnh phát triển vững chắc thị trường nội địa, chiến lược của hãng bay này là đẩy mạnh phát triển mạng bay quốc tế nhằm tăng cường doanh thu ngoại tệ từ bán vé và lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước. Theo Vietjet Air, nếu tính trên tổng doanh thu, tỷ trọng doanh thu quốc tế đã vượt qua cả doanh thu nội địa.
Với sản phẩm bay quốc tế ngày càng mở rộng đặc biệt tập trung vào khu vực các nước phát triển tại Đông Bắc Á và các nước đông dân phát triển ổn định, Vietjet có thể tiếp cận được tới nhóm khách có mức thu nhập bình quân cao hơn, sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ đi kèm. Với việc tăng bay các chuyến quốc tế, mặt bằng thu nhập của hành khách Vietjet Air sẽ tăng lên, đặc biệt nguồn thu từ ngoại tệ cũng dần tăng lên trong cơ cấu dòng tiền thu của Hãng.
Sự phát triển mạnh mẽ, liên tục mạng bay quốc tế của Vietjet góp phần tạo nên những điểm đến du lịch sôi động như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Sự mở rộng mạng bay của các hãng hàng không như Vietjet, nhất là mạng bay quốc tế luôn song hành cùng ngành du lịch để tạo ra những bước tăng trưởng mới, mạnh mẽ hơn cho ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia này.