Vietnam Airlines sắp tăng vốn 'chữa cháy' gần 15.400 tỷ đồng nợ đến hạn với các ngân hàng, đối tác, nhà cung cấp
Gói tăng vốn 8.000 tỷ được kỳ vọng hoàn thành ngay trong quý 3. Số tiền này không chỉ để thanh toán nợ, bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dòng tiền khó khăn mà còn giúp bảng cân đối kế toán của Vietnam Airlines mạnh hơn tránh việc âm vốn chủ trong tương lai.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang chuẩn bị chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, phương án đã được ĐHCĐ thường niên mới đây thông qua.
Việc chào bán dự kiến được hoàn thành ngay trong quý 3, sẽ là nguồn lực giúp hãng hàng không quốc gia cải thiện khả năng thanh toán trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, rơi vào trạng thái khủng hoảng toàn diện.
Chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn (chủ yếu là chi phí đội bay). Kể cả khi phải dừng hoạt động (không có dòng tiền thu), hàng tháng Vietnam Airlines vẫn phải thanh toán các khoản chi phí lớn liên quan đến thuê mua tàu bay cho đội bay.
Kế hoạch sử dụng 8.000 tỷ đồng sau khi phát hành được Vietnam Airlines công bố như sau:
- Trả nợ vay đến hạn cho các tổ chức tín dụng: 2.050 tỷ đồng
- Thanh toán nợ quá hạn và nợ đến hạn cho các đối tác, nhà cung cấp: 3.950 tỷ đồng
- Bổ sung vốn lưu động để đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh trong tình hình dịch bệnh phức tạp; các khoản nợ đến hạn trong năm 2022, riêng quý 1/2022 dự kiến 2.500 tỷ đồng tại các ngân hàng: 2.000 tỷ đồng
Hiện tại, các khoản nợ đến hạn của Vietnam Airlines tại 7 ngân hàng, tổng giá trị 2.053 tỷ đồng. Trong đó lớn nhất là các khoản vay nội tệ với Vietcombank (1.128 tỷ đồng), BIDV (236 tỷ đồng), SeABank (400 tỷ đồng), ngoài ra các khoản vay bằng đồng đô tại JP Morgan, Citibank và ING.
Các khoản công nợ quá hạn đối tác, nhà cung cấp tính đến 30/6/2021 gần 13.340 tỷ đồng. Lớn nhất là tiền thuê máy bay 7.099 tỷ đồng; nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng động cơ, phụ tùng vật tư 4.022 tỷ đồng; dịch vụ chuyến bay, dịch vụ hàng không 1.848 tỷ đồng.
Trong năm nay, một mục tiêu quan trọng mà ban điều hành Vietnam Airlines đặt ra là biện pháp cắt giảm tự thân tiết kiệm 6.800 tỷ đồng (năm 2020 đã tiết kiệm 5.500 tỷ đồng).
Trong đó, lớn nhất là kế hoạch đàm phán với các nhà cung ứng, đối tác để giảm giá, giãn tiến độ thanh toán, đặc biệt với hợp đồng thuê tàu bay, hợp đồng phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay. Riêng nhóm này có thể giúp tiết kiệm 5.300 tỷ đồng.
Trong năm nay, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm 12% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 14.304 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 30,5%.
Nhịp sống kinh tế